20/10/2015 - 21:14

Mỹ, Indonesia tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng

Mỹ và Indonesia sẽ nâng mối quan hệ quốc phòng lên tầm cao mới, đồng thời thảo luận tăng cường hợp tác an ninh hàng hải nhân chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến Thủ đô Washington, dự kiến bắt đầu từ ngày 25 đến 28-10.

Theo trang tin điện tử Diplomat, đây là một phần trong nỗ lực nâng cao, mở rộng hợp tác quốc phòng Mỹ-Indonesia lên tầm chiến lược và toàn diện hơn, dựa trên thỏa thuận thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước ký kết vào năm 2010. Dự kiến, Jakarta và Washington sẽ ra tuyên bố chung về an ninh và hợp tác quốc phòng, tập trung vào 6 lĩnh vực bao gồm: hợp tác hàng hải, hỗ trợ quân sự, phát triển chung, đối phó những thách thức xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai và gìn giữ hòa bình.

Ngoài ra, lãnh đạo hai nước sẽ ký bản ghi nhớ trong lĩnh vực hàng hải với một số điểm trọng yếu bao gồm quốc phòng hàng hải, quản lý tài nguyên biển, cơ sở hạ tầng và an toàn đường biển. Theo Diplomat, đây là sự công nhận có ý nghĩa giữa 2 nước không chỉ về việc đối phó thách thức hàng hải trong khu vực – điển hình như vấn đề Biển Đông, mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của Tổng thống Joko Widodo về trục hàng hải quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Có thể nói, Mỹ và Indonesia đang nỗ lực tăng cường các hoạt động phối hợp giữa lực lượng cảnh sát biển của Mỹ với Cơ quan an ninh hàng hải của Indonesia (BAKAMLA). Được biết, BAKAMLA là cơ quan mới do Tổng thống Widodo thành lập có chức năng tương tự như lực lượng cảnh sát biển với nhiệm vụ chính là giúp đảo quốc Đông Nam Á giải quyết vấn đề điều phối trên biển.

Công trình trái phép của Trung Quốc trên Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA

 

Trong diễn biến khác liên quan Biển Đông, cựu Ngoại trưởng Úc Gareth Evans đề xuất Canberra nên triển khai tàu chiến tới Biển Đông để phản đối hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phát biểu trong chương trình của đài ABC, cựu Ngoại trưởng Úc cho biết Mỹ hoàn toàn có lý trong việc chứng minh quyền tự do hàng hải bằng cách điều tàu và máy bay vào phạm vi 12 hải lý để nói rõ họ không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Evans cho rằng Úc cũng nên sẵn sàng có hành động tương tự mặc dù không nhất thiết phải phối hợp với Mỹ để phản đối và ngăn chặn những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hiện tại, đài ABC xác nhận có 3 tàu Hải quân Hoàng gia Úc đang hoạt động ở Biển Đông. Trước đó, Washington và Canberra đã nhất trí tăng cường hợp tác Hải quân ở Biển Đông tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Úc vừa qua. Tuy nhiên, Canberra cho đến nay vẫn bác bỏ khả năng tham gia kế hoạch tuần tra Biển Đông cùng Hải quân Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo Diplomat, ABC, AAB)

Chia sẻ bài viết