19/02/2021 - 05:00

Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc qua nhóm Bộ Tứ 

Thông qua cuộc họp trực tuyến cấp Ngoại trưởng giữa Mỹ và các thành viên còn lại trong nhóm Bộ Tứ, Tổng thống Joe Biden đang phát đi tín hiệu cho thấy Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy cam kết mở rộng liên minh được xem như “NATO châu Á” bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc.

Quân đội nhóm Bộ Tứ tập trận chung hồi tháng 11-2020. Ảnh: AFP

Quân đội nhóm Bộ Tứ tập trận chung hồi tháng 11-2020. Ảnh: AFP

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi hôm 18-2 nhấn mạnh, cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và những người đồng cấp Úc, Nhật Bản, Ấn Độ là “rất quan trọng” đối với nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập dựa trên pháp trị. Trước đó, Hãng tin AFP tiết lộ cuộc họp đầu tiên của nhóm Bộ Tứ dưới thời Tổng thống Biden sẽ tập trung tình hình đại dịch COVID-19 và vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoài ra, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, ông Blinken trong cuộc họp trực tuyến riêng cùng ngày cũng thảo luận những thách thức khác trên toàn cầu với các đối tác Anh, Pháp, Đức.

Được biết đến với tên gọi chính thức là Đối thoại an ninh bốn bên, nhóm QUAD hay còn gọi là “Bộ tứ kim cương” hình thành vào năm 2004, là khuôn khổ hợp tác giữa Mỹ, Nhật, Úc, Ấn nhằm hỗ trợ các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần. Đến năm 2017, hoạt động của nhóm bắt đầu vượt khỏi hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa với sự tích cực của Mỹ cùng Nhật Bản nhằm mở rộng liên minh để tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Hồi tháng 11-2020, nhóm Bộ Tứ đã tổ chức cuộc tập trận hải quân Malabar ở Vịnh Bengal và Biển Arab với sự tham gia lần đầu tiên của Úc sau hơn một thập kỷ. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh 4 nước thành viên đều đang căng thẳng với Bắc Kinh.

Trong cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí chiến lược tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua nhóm Bộ Tứ. Trước đó, ông Biden nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ với các đồng minh là chìa khóa trong cách tiếp cận Trung Quốc, hướng tới mục tiêu “cạnh tranh hơn” với Bắc Kinh. Trong động thái gây sức ép, quân đội Mỹ và Ấn Độ đang tiến hành tập trận chung sau thời gian trì hoãn do đại dịch COVID-19. Hoạt động này diễn ra khi quân đội Trung - Ấn bắt đầu rút quân khỏi Pangong Tso, điểm nóng quân sự giữa hai bên trong 8 tháng leo thang căng thẳng.

Trước động thái của Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo chính quyền mới ở Washington, rằng việc duy trì hoạt động nhóm Bộ Tứ nhằm kiềm chế sự phát triển của Bắc Kinh là “sai lầm chiến lược nghiêm trọng” có thể dẫn tới cuộc đối đầu nguy hiểm. Tác giả bài xã luận đặc biệt gây sức ép lên Ấn Độ khi kêu gọi New Delhi rút khỏi nhóm này. Trước đó, cả Úc và Ấn Độ đều thận trọng trong việc đối đầu cường quốc châu Á. Nhưng căng thẳng giữa hai nước này với Bắc Kinh gia tăng trong những năm gần đây đã tạo điều kiện thúc đẩy việc “thể chế hóa” nhóm Bộ Tứ theo sáng kiến được cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố hồi cuối năm ngoái.

Chính quyền ông Biden đang tăng cường thách thức các đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Cụ thể, tàu khu trục USS Russell của Mỹ đã đi ngang các hòn đảo do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 17-2. Trước đó, hôm 5-2, khu trục hạm John S. McCain cũng di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết