20/11/2019 - 07:48

Mỹ đảo ngược quan điểm về Bờ Tây 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 18-11 cho biết lập trường về các khu định cư của Israel vốn không nhất quán giữa các thời tổng thống Mỹ. Sau khi thận trọng cân nhắc tất cả khía cạnh pháp lý, Washington kết luận không coi việc Israel xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây là "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Khu định cư Kiryat Arba của Israel ở Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Các khu định cư được Israel xây dựng trên vùng lãnh thổ họ chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Israel đã xây dựng 140 khu định cư và sắp xếp cho khoảng 400.000 người Do Thái đến sống tại Bờ Tây và 200.000 người khác sống ở Đông Jerusalem. Hoạt động này bị coi là bất hợp pháp và bị quốc tế phản đối.  Đây cũng là một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa Israel và Palestine khi người Palestine muốn lập một nhà nước ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza bị chiếm đóng.

Năm 1978, chính quyền Tổng thống Mỹ Jimmy Carter xác định việc Israel lập các khu định cư dân sự là "không phù hợp luật pháp quốc tế". Quan điểm này thay đổi vào năm 1981 khi Tổng thống Ronald Reagan không coi đây là "bất hợp pháp". Kể từ đó, Mỹ dùng cụm từ "không hợp lệ" thay vì "bất hợp pháp" để mô tả các khu định cư nói trên và luôn bảo vệ Tel Aviv tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Song, tiền lệ này bị phá vỡ với lá phiếu trắng của chính quyền Tổng thống Barack Obama năm 2016 giúp thông qua nghị quyết LHQ xác định Israel "vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế và yêu cầu Tel Aviv ngừng xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó vừa đắc cử đã viết trên Twitter rằng "mọi thứ sẽ thay đổi" khi ông nhậm chức. Quả thực, Washington sau đó đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (năm 2017), dời đại sứ quán Mỹ về đây (2018) và công nhận chủ quyền Israel ở Cao nguyên Golan hồi đầu năm nay. Với hành động hôm 18-11, chính quyền Trump không chỉ cho thấy họ tiếp tục "cùng phe" với đồng minh Do Thái mà đây có thể là cử chỉ "giúp đỡ" Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông này đang tìm cách duy trì quyền lực sau 2 cuộc bầu cử không hồi kết.

Người Palestine tức giận, cộng đồng quốc tế lo ngại

Trưởng đoàn đàm phán cấp cao của Palestine Saeb Erekat chỉ trích Mỹ đe dọa "sự ổn định, an ninh và hòa bình toàn cầu", thậm chí cáo buộc Washington dùng "luật rừng" thay luật quốc tế. Phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì cho rằng Washington "không đủ tư cách và quyền hạn" bác bỏ các nghị quyết quốc tế cũng như không có thẩm quyền trao tư cách pháp lý cho hoạt động xây dựng của Israel. Theo Công ước Geneva năm 1949 và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, việc đưa dân thường của bất kỳ quốc gia nào tới vùng đất bị chiếm đóng đều bất hợp pháp.

Theo các nhà phân tích, động thái mới của chính quyền Trump không chỉ chống lại LHQ, đối đầu Palestine mà còn đặt Mỹ vào thế bất hòa với hầu hết đồng minh châu Âu cùng thế giới Arab. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi khẳng định Amman duy trì quan điểm coi các khu định cư ở Bờ Tây là vi phạm luật pháp quốc tế. Trước đó, ông Pompel nói rõ hành động của Mỹ không nhằm gây ảnh hưởng tình trạng Bờ Tây nhưng đồng minh nước này tại Trung Đông cảnh báo bất kỳ thay đổi chính sách nào đều "nguy hiểm" đối với triển vọng đàm phán hòa bình. Về phần mình, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nói rõ chính sách của EU đối với các khu định cư của Israel là rõ ràng và không thay đổi.

Ngoài đi ngược sự đồng thuận quốc tế, tuyên bố hôm 18-11 còn đẩy Mỹ rời xa nỗ lực giải quyết xung đột 70 năm qua giữa Israel và Palestine mà họ sắm vai trò trung gian.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết