12/02/2020 - 09:35

Mỹ-Ấn thúc đẩy quan hệ chiến lược 

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ có chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên sau hơn 3 năm nhậm chức nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tổng thống Trump (phải) và Thủ tướng Modi tại sự kiện ở Texas năm ngoái. Ảnh: India TV

Chuyến thăm dự kiến diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-2, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania sẽ dừng chân tại thủ đô New Delhi và bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Sự kiện diễn ra giữa thời điểm quan hệ Mỹ-Ấn đang trong tình trạng khá đặc biệt. Một mặt, hai nước vẫn tranh cãi về thương mại sau khi New Delhi áp thuế lên hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa quyết định của Washington loại quốc gia Nam Á khỏi chương trình miễn thuế nhập khẩu trị giá 5,6 tỉ USD. Nhưng về quân sự, Mỹ đang muốn bắt tay với nền dân chủ lớn nhất thế giới, đặc biệt khi chính quyền Trump đẩy mạnh chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc.

Trong chuyến công du chính thức của Thủ tướng Modi tới Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Trump đã không tiếc lời ca ngợi sự “tâm đầu ý hợp” với nhà lãnh đạo Ấn Độ. Điều này thể hiện qua sự kiện ông Modi trở thành chính khách nước ngoài đầu tiên nhận lời mời tham dự chiến dịch vận động tranh cử ngay trên xứ cờ hoa khi đến thăm thành phố Houston (Texas). Chủ nhân Nhà Trắng còn gọi chính trị gia Nam Á là “người cha của Ấn Độ” và “một trong những người bạn lớn và trung thành của nước Mỹ”. Và trong cuộc điện đàm tuần rồi, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí chuyến thăm sắp tới của ông Trump sẽ là dịp để thắt chặt tình hữu hảo giữa người dân hai nước cũng như tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Mỹ- Ấn.

Theo nhà sáng lập tổ chức Indiaspora Rangaswami, chuyến công du của lãnh đạo Mỹ diễn ra “hợp thời điểm” khi hai bên cần giải quyết nhiều vướng mắc về thương mại, mở đường cho hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Trong khi đó, quan điểm của Chủ tịch Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn Độ Mukesh Aghi xác định sự kiện này là cần thiết để truyền tải thông điệp về vai trò của New Delhi, rằng Ấn Độ không chỉ có quan hệ gần gũi với các nước khu vực mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo vùng Biển Đông cùng với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một phần của trật tự toàn cầu.

Trước chuyến thăm của ông Trump, các nguồn tin quốc phòng cho biết Ấn Độ đang chuẩn bị phê duyệt thỏa thuận mua 24 trực thăng đa chức năng MH-60R Seahawk của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin trị giá 2,6 tỉ USD. Trang bị ngư lôi và tên lửa Hellfire, “thợ săn ngầm” MH-60R được kỳ vọng giúp hải quân Ấn tăng cường năng lực theo dõi trên Ấn Độ Dương giữa lúc Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện tại khu vực này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã chấp thuận yêu cầu của New Delhi về kế hoạch mua hệ thống phòng không tích hợp (IADS) với chi phí ước tính 1,87 tỉ USD.

Theo một số quan chức, các thương vụ mua vũ khí của Mỹ với giá trị lớn là bằng chứng cho thấy Ấn Độ sẵn sàng thắt chặt quan hệ chiến lược với Washington. Tính từ năm 2007, các giao dịch vũ khí giữa Ấn Độ với Mỹ đạt 17 tỉ USD trong bối cảnh New Delhi tìm cách hiện đại hóa quân đội và thu hẹp khoảng cách quân sự với Bắc Kinh.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết