25/11/2019 - 07:42

Mỹ - Ấn thắt chặt quan hệ quốc phòng 

Mối quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ ngày càng bền chặt với việc New Delhi và Washington ký kết thỏa thuận quốc phòng trị giá nhiều tỉ USD, cũng như tăng cường các cuộc tập trận chung.

Khách hàng lớn

Binh sĩ Ấn Độ và Mỹ kề vai sát cánh trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Defensenews

Theo kênh truyền hình India Today, Ấn Độ đang có kế hoạch ký kết với Mỹ thỏa thuận trị giá hơn 7 tỉ USD nhằm mua máy bay không người lái (UAV) vũ trang Sea Guardian, máy bay săn ngầm P-8I và máy bay giám sát tầm xa. Trong đó, chỉ riêng số tiền dành mua máy bay săn ngầm P-8I là vào khoảng 3 tỉ USD.

“Hải quân, Không quân và Lục quân Ấn Độ đang đưa ra các yêu cầu về thông số kỹ thuật để mua các UAV vũ trang Sea Guardian của Mỹ” - India Today dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết.

Thật ra, Ấn Độ từ lâu đã là khách hàng quốc phòng lớn của Mỹ. Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Ấn Độ trong giai đoạn 2013-2017 tăng tới 557% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Doanh số vũ khí mà Mỹ bán cho Ấn Độ hiện ở mức khoảng 18 tỉ USD và có thể tăng hơn nữa nếu thỏa thuận nhằm cho phép Ấn Độ mua súng hải quân và đạn dược của Mỹ trị giá 1 tỉ USD được thông qua.

Tăng cường tập trận chung

Trong khi đó, Mỹ và Ấn Độ hôm 21-11 vừa kết thúc cuộc tập trận trên bộ, trên biển và trên không kéo dài 9 ngày mang tên Tiger Triumph dọc theo bờ biển phía Đông Vịnh Bengal.

Giới phân tích cho rằng cuộc tập trận này rất quan trọng để bảo vệ lợi ích chung của hai nước tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đạt được ảnh hưởng quân sự ở khu vực nhờ đầu tư mạnh vào thiết bị quốc phòng tiên tiến. 

Cuộc tập trận với sự tham gia của 500 lính thủy đánh bộ và hải quân Mỹ cùng với khoảng 1.200 binh sĩ lục quân, hải quân và  không quân Ấn Độ được xem là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Đây cũng là một trong những mục tiêu của thỏa thuận quốc phòng mà 2 nước đã ký kết hồi năm ngoái, trong đó cho phép Washington chia sẻ thiết bị và mã liên lạc nhạy cảm với New Delhi, cho phép hai bên hoạt động trên cùng hệ thống liên lạc trong thời gian thực.

Trọng tâm của cuộc tập trận là hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa, phát triển khả năng hợp tác giữa các lực lượng, huấn luyện công tác tìm kiếm cũng như diễn tập bắn đạn thật. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cuộc tập trận còn bao gồm các hoạt động hàng hải và đổ bộ. Đây là lần đầu tiên lục quân, hải quân và không quân Ấn Độ phối hợp tập trận với hải quân Mỹ. Trước nay, Nga là nước duy nhất mà Ấn Độ tham gia tập trận với 3 nhánh vũ trang trên. 

Cuộc tập trận diễn ra chỉ ít lâu sau khi cuộc tập trận chung mang tên Yudh Abhyas lần thứ 15 được tổ chức hồi tháng 9 tại căn cứ không quân Lewis-McChord (Mỹ), với sự tham dự của gần 700 binh sĩ hai nước. Mức độ tập trận quân sự và mua bán vũ khí mà Mỹ dành cho Ấn Độ được giới nghiên cứu đánh giá là tương đương hoặc thậm lớn hơn với một đối tác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dù New Delhi kiên quyết mua hệ thống tên lửa S-400 của Mát-xcơ-va vi phạm lệnh cấm vận quốc tế của Washington, nhưng Ấn Độ là một nước lớn chia sẻ nỗi lo và lợi ích của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở trước các tham vọng đáng ngại của Trung Quốc.

HOÀNG NAM (Theo India Today, NYT)

 

Chia sẻ bài viết