Vụ tôm sú chính vụ 2011 ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã thả nuôi hơn hai tháng qua. Giá tôm sú nguyên liệu đang ở mức cao, nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến đã sẵn sàng đẩy giá lên cao... là tín hiệu vui cho người nuôi tôm. Thế nhưng, người nuôi tôm vùng ĐBSCL đang đối mặt với nỗi lo dịch bệnh bùng phát, thiếu vốn nuôi tôm...
* Nỗi lo dịch bệnh
Tính đến đầu tháng 4-2011, tỉnh Trà Vinh có hơn 1.839ha nuôi tôm sú của 1.706 hộ các huyện Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú bị chết (ở giai đoạn 30 - 45 ngày tuổi) do bệnh đỏ thân, đầu vàng... nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Ông Lê Văn Nhiên, ấp Tân Lập, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, nói: “Từ đầu vụ 2011 đến nay, mới hai tháng mà tôi đã ba lần thả giống. Chỉ tính tiền con giống, cải tạo ao nuôi đã hơn 20 triệu đồng. Thời tiết khắc nghiệt, tôm chết đến 80% diện tích toàn ấp, bà con lo lắng, bởi không khéo vỡ nợ như chơi”. Tại vùng tôm huyện Duyên Hải, Trà Cú, diện tích tôm thiệt hại cũng lan nhanh trên diện rộng. Đây chính là hệ lụy của giá tôm nguyên liệu ở mức cao, người nuôi “xé rào” thả giống không theo lịch thời vụ được khuyến cáo. Tỉnh Trà Vinh hiện có 13.683 hộ nuôi tôm đã thả 812 triệu con tôm sú giống trên diện tích 13.553ha. Nếu tính bình quân giá tôm giống khoảng 55 đồng/con, với số lượng 85 triệu con giống bị chết thì con số thiệt hại đã hơn 4,2 tỉ đồng.
 |
Diện tích tôm sú chết lan nhanh, người dân đang lo lắng. Trong ảnh: Thu hoạch non diện tích tôm sú bị chết ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: P. SƠN |
Tỉnh Sóc Trăng trong hai tuần qua, diện tích tôm chết vẫn chưa có dấu hiệu chựng lại. Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trong số 16.000ha thả nuôi đã có gần 2.000ha bị thiệt hại, diện tích mới thả từ 7-15 ngày tuổi cũng xảy ra hiện tương tôm chết. Ở một số địa bàn đã xuất hiện dấu hiệu lây lan trên diện rộng khi tôm chết liên tục trong nhiều ngày liền”. Diện tích tôm thiệt hại tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên. Theo Thạc sĩ Bé, những ao tôm 7-10 ngày tuổi bị chết nhiều là hiện tượng bất thường, có thể do yếu tố thời tiết, môi trường thay đổi, nhưng cũng có thể do một tác nhân khác chưa xác định được.
Bước vào mùa tôm chính vụ năm nay, người nuôi tôm đã phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng. Chỉ tính riêng phần con giống giá đã tăng hơn năm ngoái khoảng 10-15 đồng/con, còn thức ăn cho tôm cũng tăng một vài ngàn đồng một ký, đó là chưa kể chi phí cải tạo ao, thuốc thú y... Theo ước tính, mỗi héc-ta nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, mật độ thả nuôi 5 con/m2 thì chi phí cho việc cải tạo ao và con giống đã trên 10 triệu đồng; nuôi bán công nghiệp khoảng 40 triệu đồng trở lên; còn nuôi công nghiệp thì chi phí còn cao hơn rất nhiều.
Tôm chết đầu vụ diễn ra ở nhiều địa phương ven biển, diện tích thiệt hại ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang... đều trên 1.000ha, dù ngành chức năng đã cảnh báo, nhưng giá tôm sú nguyên liệu ở mức cao là động lực để người nuôi tiếp tục tái đầu tư và hy vọng. Song những rủi ro, dịch bệnh sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy và có thể ảnh hưởng đến các vụ sau.
* Treo ao vì “khát” vốn
Ở tỉnh Cà Mau, phong trào nuôi tôm công nghiệp đang diễn ra rầm rộ, nhưng lại thiếu sự chuẩn bị và gắn kết “4 nhà”. Là địa phương có diện tích nuôi tôm sú chiếm gần 40% diện tích toàn vùng, nhưng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Cà Mau còn khá khiêm tốn, do hạ tầng cơ sở vùng nuôi, nguồn giống chưa đáp ứng yêu cầu. Khởi đầu vụ nuôi sú năm 2011, nông dân Cà Mau hồ hởi cải tạo ao đầm, mạnh dạn tái đầu tư. Nhưng không ít nông hộ chỉ quen nuôi tôm theo hình thức quảng canh, tôm sú nguyên liệu giá cao, họ đã chạy theo phong trào nuôi công nghiệp mong đạt lợi nhuận cao, khi giá cả đầu vào tăng, rất nhiều người nuôi tôm công nghiệp “hụt hơi” vì thiếu vốn.
Vụ tôm 2011, nông dân Dương Thanh Thạnh, ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) mạnh dạn cải tạo vuông tôm nuôi quảng canh của mình thành đầm tôm công nghiệp. Song, số tiền chuẩn bị chỉ đủ để cải tạo ao đầm và mua vật tư, đến lúc thả giống thì “cụt vốn”. Nhìn hai đầm tôm còn dở dang, ông Thạnh cho biết: “Mang bằng khoán đất đến vay Ngân hàng nông nghiệp huyện thì ngân hàng cho biết 1ha chỉ vay được 10 triệu đồng. Mức vay này chỉ đủ mua giống để thả, còn tiền thức ăn, tiền thuốc... lấy đâu ra!”. Không có vốn, ông Thạnh chấp nhận treo ao, còn nhiều hộ nuôi tôm ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau không vay vốn được ở ngân hàng, đành vay tiền bên ngoài với lãi suất cao. Ông Trần Văn Kiếm, ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, nói: “Cầm bằng khoán đến Ngân hàng nông nghiệp vay vốn nuôi tôm công nghiệp, nhưng mấy đầm nuôi của tôi không nằm trong vùng quy hoạch nuôi nên không được vay. Túng quá phải vay tiền bên ngoài lãi suất cao”. Theo ông Kiếm, nhiều hộ trong ấp kêu xe vô san ủi ao để nuôi công nghiệp, gặp cảnh giá dầu, xăng tăng đội chi phí múc đầm lên 70-80 triệu đồng/ha nên hết vốn, vay ngân hàng không được phải chuyển sang nuôi quảng canh.
Chính việc mở rộng nuôi theo hình thức công nghiệp ồ ạt khiến phương tiện cơ giới phục vụ cho việc cải tạo ao đầm ở tỉnh này thiếu hụt trầm trọng, chủ phương tiện cơ giới đã nâng giá san ủi đầm công nghiệp lên 70-80 triệu đồng/ha, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2010. Chi phí đầu tư tăng khiến những hộ mở rộng và nuôi mới không kịp xoay xở vốn. Tại huyện Đầm Dơi, địa phương chiếm phần lớn diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh hiện có hàng chục đầm tôm công nghiệp phơi nắng vì thiếu vốn đầu tư. Theo quy hoạch đến năm 2015, diện tích tôm công nghiệp tỉnh Cà Mau đạt khoảng 10.000ha. Riêng năm 2011 phấn đấu đạt 2.800ha, đến nay diện tích thả nuôi khoảng 1.700ha, số còn lại đang trong quá trình san ủi dở dang do thiếu vốn. Theo ông Lý Nam Hải, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Cà Mau, nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất của nông dân rất lớn, nhưng địa điểm chính để nông dân tiếp cận chỉ có Ngân hàng nông nghiệp. Trong khi vốn huy động tại chổ của chi nhánh có hạn. Để giải quyết khó khăn này, rất cần sự chung tay của cả hệ thống ngân hàng và cùng chia sẻ rủi ro với nông dân.
Nhằm hạn chế những thiệt hại cho người nuôi tôm, ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người nuôi phải tuân thủ theo quy hoạch, thả giống đúng lịch thời vụ. Gần đây, tôm sú nguyên liệu tăng nhanh, nên nhiều nông hộ phát triển nuôi công nghiệp nằm ngoài vùng quy hoạch của các địa phương. Sự phát triển thiếu kiểm soát sẽ phát sinh rất nhiều bất cập, nếu không có sự kiểm soát từ bây giờ.
P. Sơn- H. Tùng- X. Trường