06/09/2014 - 17:33

Mù mờ!

Hạt nhân của kế hoạch mà các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa đạt được tại xứ Wales (Anh) là thành lập lực lượng phản ứng nhanh “xung kích” mới với 5.000 binh sĩ, gồm không quân, hải quân và đặc nhiệm. Theo hãng tin Reuters, nếu được thành lập trong vòng vài tháng hoặc một năm tới, lực lượng này có thể triển khai một số đơn vị đầu tiên đến điểm nóng trong 2 ngày, thay vì mất 5 ngày so với lực lượng tác chiến nhanh hiện tại của NATO.

Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen mạnh miệng tuyên bố: “Quyết định này gởi một thông điệp rõ ràng rằng NATO sẽ bảo vệ tất cả đồng minh trong mọi thời điểm trước bất kỳ một kẻ xâm lược tiềm năng nào”. Reuters cho hay Thủ tướng Anh David Cameron cam kết đóng góp 3.500 quân sang huấn luyện tại Đông Âu từ nay đến cuối năm 2015 như là một phần trong nỗ lực đảm bảo “ sự hiện diện quân sự thường trực” của NATO tại khu vực này. Ông cũng hứa cung cấp một thao trường và một cứ địa cho lữ đoàn thuộc lực lượng mới của NATO. Thậm chí, hãng tin AFP cũng dẫn lời phát biểu của ông Cameron tại hội nghị thượng đỉnh NATO cho biết thêm, Anh sẵn sàng đóng góp tới 3.500 quân và có thể bổ sung 1.000 lính tinh nhuệ khác vào lực lượng phản ứng nhanh mới nếu nó được tất cả các nước thành viên tán đồng thành lập. Thủ tướng Anh còn thông báo nước này sẽ có hàng không mẫu hạm thứ hai vào năm 2023 đủ sức bảo vệ an ninh cho cựu lục địa.

Chủ tịch đắc cử Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng động thái mới của NATO là sự đảm bảo an ninh cho Vác-sa-va không chỉ trên bàn giấy mà bằng thực tế. Ông hy vọng Ba Lan sẽ được chọn làm nơi đặt tổng hành dinh của lực lượng mới. Có điều, đó vẫn là sự kỳ vọng của Ba Lan và các nước Baltic, chứ để biến thỏa thuận chính trị của giới lãnh đạo NATO trở thành hiện thực là một quá trình dài và phức tạp. Ngay cả khi được thành lập, lực lượng phản ứng nhanh mới của NATO vẫn không thể triển khai được tới bất kỳ nơi đâu nếu chỉ cần một nước thành viên phản đối.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết