18/04/2014 - 22:14

Một số quy định về lao động giúp việc gia đình

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7-4-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.

Nghị định này quy định một số quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, lao động là người giúp việc gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là chủ hộ, người được chủ hộ hoặc các chủ hộ ủy quyền hợp pháp, người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp; về phía người lao động phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với UBND xã, phường, thị trấn, nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử. Thời gian thử việc không quá 6 ngày.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động phải báo trước 15 ngày, trong một số trường hợp thời gian báo trước ít nhất là 3 ngày. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải báo trước trong một số trường hợp như: bị người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, dùng vũ lực hoặc cưỡng bức lao động; khi phát hiện điều kiện làm việc có khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe của bản thân, đã báo cho người sử dụng lao động biết mà chưa được khắc phục…

Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng lao động, làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, Tết.

Người sử dụng lao động hiện đang thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trước ngày Nghị định này có hiệu lực (tức ngày 25-5-2014) thì căn cứ quy định tại Nghị định này, thỏa thuận với người lao động sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hoặc ký kết hợp đồng lao động mới và thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động làm việc.

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết