Nga có thể sẽ ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên trong 30 năm cho Trung Quốc trong chuyến thăm hai ngày của Tổng thống Vladimir Putin đến nước láng giềng từ ngày 20-5. Hợp đồng dự kiến có tổng trị giá lên đến 456 tỉ USD. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va có thể sẽ bị "thiệt" về giá cả và đối mặt nhiều thách thức từ hợp đồng này với Bắc Kinh.
Thỏa thuận trên được thương lượng hơn thập niên qua nhưng chưa được "chốt lại" do hai bên bất đồng về giá cả cũng như vấn đề tài chính để xây dựng các đường ống dẫn gas cần thiết (dự kiến tốn khoảng 22-30 tỉ USD). Nếu hợp đồng được ký, việc xây dựng đường ống từ Nga sang Trung Quốc dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2014 và việc cung cấp khí đốt sẽ bắt đầu từ năm 2018, với công suất 38 tỉ mét khối/năm. Giá thỏa thuận có thể từ 350-400 USD/1.000 mét khối, gần bằng với giá cung cấp gas hiện tại của Nga cho Tây Âu.
Việc áp dụng mức giá này cho hợp đồng kéo dài 30 năm rõ ràng là một tổn thất mà Gazprom không mong muốn. Nhưng trong bối cảnh Mát-xcơ-va đang bị phương Tây cấm vận liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina, thỏa thuận này có ý nghĩa kinh tế lẫn chính trị đối với Nga. "Chúng tôi có thể chịu vài thiệt thòi về giá cả nhưng Nga đang cần hợp đồng như vậy", phó giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông Vladimir Portyakov nhận định. Ông cho rằng thỏa thuận này giúp Nga tự do hơn trong quan hệ với phương Tây, chứng tỏ Mát-xcơ-va không bị cô lập. Đồng thời, Trung Quốc cũng có thể là đối tác lâu dài và ổn định hơn Mỹ và châu Âu. Tổng thống Putin cho biết thỏa thuận còn là một phần trong nỗ lực xây dựng "liên minh năng lượng chiến lược" giữa Nga và Trung Quốc, hướng đến nâng kim ngạch thương mại song phương từ mức 90 tỉ USD hiện tại lên 200 tỉ USD năm 2020.
Tuy nhiên, "bài học" về Ukraina cũng khiến Nga thận trọng hơn trong thương vụ này. Reuters dẫn nguồn tin thân cận với Gazprom cho biết tập đoàn này đang đề nghị đối tác Trung Quốc trả trước 25 tỉ USD để đảm bảo nguồn cung ứng gas tương lai.
Theo ông Portyakov, bản thân Trung Quốc cũng cần nguồn cung năng lượng từ đối tác đáng tin cậy về mặt chính trị hơn là từ thị trường thế giới với cái giá tốt nhất. Bởi Trung Quốc coi năng lượng là vấn đề an ninh quốc gia, trong khi đường hàng hải vận tải dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng đang trở nên dễ tổn thương, nhất là trong bối cảnh nước này ngày càng bị quốc tế phản đối mạnh mẽ vì tham vọng bành trướng lãnh hải. Nga có lẽ hiểu rõ điểm yếu hiện nay của Trung Quốc để mặc cả giá khí đốt sao cho không tổn hại tài nguyên quốc gia.
THUẬN HẢI (Theo Reuters, RT, CS Monitor)