17/01/2011 - 10:20

TP Cần Thơ

Mở hướng phát triển công nghiệp nông thôn

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm Khuyến công) TP Cần Thơ, lao động tại các làng nghề, ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) chiếm khoảng 10% lao động toàn ngành công nghiệp và đóng góp hơn 10% giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề, ngành nghề CNNT hiện nay còn khá manh mún, sản phẩm mang tính cạnh tranh kém. Quyết định số 3653/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh khuyến công phát triển làng nghề, ngành nghề CNNT TP Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2015 của UBND TP Cần Thơ vừa ban hành được xem là một hướng mở để CNNT phát triển...

Manh mún, sức cạnh tranh yếu

Hiện nay, huyện Phong Điền có khoảng 330 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Năm 2010, các cơ sở này đóng góp trên 200 tỉ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp của toàn thành phố. Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Công Thương, huyện Phong Điền, cho biết: Thời gian qua, các cơ sở sản xuất trên địa bàn chú trọng đầu tư, đổi mới trang thiết bị, sản xuất nên ngày càng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa chưa cao, chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. Đây cũng là thực trạng chung của phần lớn các cơ sở CNNT trên địa bàn thành phố.

 Sản xuất lọp tép khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long, quận Ô Môn.

Theo Trung tâm khuyến công TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có nhiều sản phẩm thủ công của làng nghề, ngành nghề CNNT đã gắn với tên ấp, xã, thị trấn và đời sống của người dân, đặc biệt là vùng cận đô thị và nông thôn. Điển hình như: bánh tráng Thuận Hưng, lưới cá Thơm Rơm (quận Thốt Nốt); lọp tép Thới Long; cần xé, nón lá Trường Thành - Thới Lai; bánh kẹo Thới An - Ô Môn... Nhiều năm nay, các làng nghề, ngành nghề CNNT này đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển CNNT, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ, cho rằng: Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất của làng nghề, ngành nghề CNNT còn khá khiêm tốn, sản xuất thủ công là chủ yếu, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, kém phong phú. Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, từ đó dẫn đến tính cạnh tranh của sản phẩm không cao. Ngoài ra, trình độ quản lý của các cơ sở làng nghề, CNNT còn nhiều hạn chế, quen làm ăn kiểu nhỏ lẻ, phổ biến và hộ gia đình. Việc liên kết sản xuất chưa được quan tâm, lao động qua đào tạo rất ít, chưa quen tác phong công nghiệp, chậm thích ứng với thị trường... khiến nhiều làng nghề, ngành nghề CNNT giảm sút về quy mô và năng lực sản xuất, hoạt động sản xuất cầm chừng...

Trợ lực để phát triển

Dâu Hạ Châu là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Sản phẩm này đã được đăng ký thương hiệu từ năm 2006. Tuy nhiên, dù cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng trái dâu dễ giập, dễ xuống màu... nên khâu bảo quản sau thu hoạch là rất khó. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ, cho biết: Nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng dâu Hạ Châu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Trung tâm đã làm việc với UBND huyện Phong Điền và HTX Dâu Hạ Châu triển khai thực hiện Đề án “Chế tạo máy ép dâu đóng lon”, tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng. Hiện nay, Đề án này Sở Công Thương TP Cần Thơ đang trình UBND TP Cần Thơ chuẩn y, hoàn tất các thủ tục chỉ định thầu để tiến hành thực hiện trong năm 2011.

Sản phẩm lưới của làng lưới Thơm Rơm phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ hàng chục năm nay được nhiều cư dân vùng lũ ĐBSCL ưa chuộng. Hiện làng lưới Thơm Rơm có 30 cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đang lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề, quy hoạch sắp xếp lại làng nghề lưới Thơm Rơm để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh”...

Từ năm 2005-2010, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho 34 đề tài khuyến công trên địa bàn TP Cần Thơ với tổng kinh phí gần 1,6 tỉ đồng. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ, cho biết: Các đề án này đã có tác dụng nhất định đến duy trì phát triển làng nghề, ngành nghề CNNT. Tuy nhiên, mức độ phổ biến, tác động vào chiều rộng và so yêu cầu còn hạn chế. Chính vì thế, trong thời gian tới, các ngành hữu quan cần phải quan tâm nhiều hơn nhất là hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị... mới có thể thúc đẩy làng nghề, ngành nghề CNNT từng bước phát triển. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Hòa, để đẩy mạnh hoạt động của các làng nghề, ngành nghề CNNT, trong năm 2011, Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như: Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, tham gia hội chợ triển lãm...; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo phát triển CNNT; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; nâng cao tay nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn...

Hướng mở cho làng nghề, ngành nghề CNNT

Mới đây, UBND TP Cần Thơ có Quyết định số 3653/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh khuyến công phát triển làng nghề, ngành nghề CNNT TP Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2015. Theo đó, từ nay đến năm 2015, TP Cần Thơ phấn đấu: Xây dựng từ 2-4 địa bàn có nghề truyền thống và ngành nghề CNNT theo tiêu chí làng nghề. Phát triển từ 3-5 địa bàn có ngành nghề truyền thống và ngành nghề CNNT gắn với hoạt động du lịch. Giá trị sản xuất của làng nghề, ngành nghề CNNT chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của TP Cần Thơ và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 13%. Tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án gần 14 tỉ đồng, chủ yếu tập trung vào các nội dung như: hỗ trợ tổ chức cá nhân khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động làng nghề, ngành nghề CNNT; hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm...

Theo quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có từ 8-9 làng nghề, với khoảng 1.540 hộ và sử dụng từ 4.700 - 5.000 lao động cần được bảo tồn và phát triển. Các làng nghề này hoạt động chủ yếu ở các ngành nghề như: đan đát (tre, trúc, lục bình, dây chuối...), đan dệt (dệt chiếu, thảm, đan lưới...), mộc (cưa xẻ gỗ gia dụng, xây dựng, đóng ghe xuồng...) và nghề chế biến lương thực (làm bánh tráng, làm bún, bánh kẹo...).

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công TP Cần Thơ, cho rằng: Đề án nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tính cần thiết phải giữ gìn và phát triển các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, của làng nghề, ngành nghề CNNT đã được đúc kết lâu đời qua lao động sản xuất của người dân địa phương. Ngoài ra, Đề án cũng nhằm vận động cộng đồng dân cư, người lao động tận dụng nguồn nguyên liệu có tại địa phương và khuyến khích, ủng hộ tính sáng tạo của nghệ nhân, thợ giỏi tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đặc trưng của làng nghề, ngành nghề CNNT... Những động thái trên cùng với việc triển khai, thực hiện Đề án chắc chắn sẽ là góp phần mở hướng cho CNNT TP Cần Thơ phát triển trong thời gian tới...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết