14/01/2021 - 08:58

Minh bạch, hiện đại hóa trong thu chi ngân sách nhà nước 

Năm 2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Cần Thơ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của cấp thẩm quyền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Bước sang năm 2021, KBNN Cần Thơ xác định tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với hiện đại hóa công nghệ quản lý và cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống KBNN.

KBNN Ninh Kiều nhận cờ thi đua của Bộ Tài chính vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua ngành Tài chính năm 2019.

Điều hành thu, chi hiệu quả

Năm 2020, bám sát dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được Bộ Tài chính và HÐND thành phố giao, KBNN Cần Thơ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn, tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu vào NSNN, điều tiết cho các cấp ngân sách đúng tỷ lệ; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách kịp thời cho cấp thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành ngân sách các cấp. Ðến ngày 31-12-2020, tổng thu  NSNN trên địa bàn TP Cần Thơ là 28.596 tỉ đồng, trong đó thu nội địa 11.303 tỉ đồng, đạt 102% dự toán của Bộ Tài chính giao, đạt 94% dự toán HÐND thành phố giao, tăng 4,9% so với cùng kỳ; thu hoạt động xuất, nhập khẩu (chưa loại trừ hoàn thuế giá trị gia tăng) 641 tỉ đồng, đạt 119,7% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ. Thu của ngành Tài chính là 16.652 tỉ đồng, bao gồm: thu bổ sung từ ngân sách cấp trên 7.220 tỉ đồng; thu chuyển nguồn ngân sách 3.937 tỉ đồng; thu kết dư ngân sách  4.530 tỉ đồng, các khoản thu khác 965 tỉ đồng.

Ðối với công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, kiểm soát thanh toán các khoản chi phục vụ an sinh xã hội; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN; ưu tiên kiểm soát, giải ngân kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, thanh toán các gói hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... Ðến ngày 31-12-2020, tổng chi NSNN trên địa bàn là 29.905 tỉ đồng, trong đó chi ngân sách Trung ương 11.409 tỉ đồng, chi ngân sách địa phương 18.496 tỉ đồng.

Thực hiện các chỉ đạo của KBNN thành phố, KBNN các quận, huyện đã quyết liệt hỗ trợ các chủ đầu tư giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Theo ông Võ Tuấn Hải, Giám đốc KBNN Thới Lai, đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, tạo điều kiện thông thoáng để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân; trong chú trọng cải cách hành chính nội bộ và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện chứng từ; nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, từng chủ đầu tư. Ðồng thời KBNN Thới Lai phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện để bố trí kịp thời, bổ sung vốn trên Tabmis (Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc) đối với các công trình, dự án có tiến độ thi công nhanh. Ngoài ra, KBNN Thới Lai cập nhật kịp thời, chính xác số liệu và thường xuyên báo cáo số liệu giải ngân vốn đầu tư theo quy định để các cấp thẩm quyền có căn cứ để điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư đối với các dự án không có nhu cầu sử dụng vốn, các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Hiện đại hóa

Hiện nay, TP Cần Thơ có 1.034 đơn vị bắt buộc đã tham gia giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 100%; chứng từ giao dịch điện tử năm 2020 chiếm 97,58% tổng lượng chứng từ giao dịch phát sinh; 99,15% đơn vị thường xuyên gửi chứng từ giao dịch điện tử). Theo ông Ngô Thanh Thoảng, Giám đốc KBNN Vĩnh Thạnh, với nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ đến nay cơ bản các khoản chi ngân sách đã được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến và đều nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng giao dịch. Nhờ đó, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra, giám sát được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi, từ đó làm tăng trách nhiệm của giao dịch viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian đi lại và chi phí hoạt động, hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, thông tin thanh toán được bảo mật. Việc truyền, nhận chứng từ trên hệ thống hoạt động tương đối thông suốt, bảo đảm an toàn, chính xác và nhanh chóng. Ðơn vị chỉ gửi hồ sơ, chứng từ online, tra cứu tình trạng kết quả xử lý hồ sơ thanh toán ngay tại cơ quan và vẫn đảm bảo mọi hoạt động giao dịch với Kho bạc được thường xuyên và liên tục.

Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu chi NSNN năm 2021, KBNN Cần Thơ đã xây dựng Giao ước thi đua năm 2021 nhằm giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, vì mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển ổn định, vững chắc; hướng tới mục tiêu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao. Theo ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó Giám đốc KBNN Cần Thơ, Lãnh đạo KBNN Cần Thơ và lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc cùng cam kết thực hiện giao ước thi đua năm 2021 với các chỉ tiêu trọng tâm như đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý; 100% công chức và người lao động chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 10 điều kỷ luật của ngành; 9 tiêu thức "văn minh, văn hóa nghề Kho bạc"; nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị. KBNN Cần Thơ sẽ tiếp tục nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ. Tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công. Thực hiện chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN theo đúng quy định. Ðặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Ðồng thời, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết