Thời thơ ấu, hẳn ai trong chúng ta chí ít cũng đã một lần được nghe bà, mẹ kể cho nghe về câu chuyện cổ tích “Tấm Cám”. Cảm thương cô Tấm ngoan hiền, gian truân bao nhiêu thì căm tức mụ dì ghẻ độc ác, mưu mô, năm lần bảy lượt giết hại con chồng bấy nhiêu... Thân phận những đứa con mồ côi cha (mẹ) phải sống với “người dưng” được ông cha ta phản ánh rất nhiều trong ca dao, tục ngữ và truyện cổ tích.
Định kiến “ghẻ” đã trở thành cố hữu trong biết bao nhiêu thế hệ người Việt. Từ “ghẻ” ở đây có nghĩa là: “Không phải ruột thịt” (theo “Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, NXB Thống kê, 2005”) hay “Nói người kế mẹ hoặc thay cha trong quan hệ với con riêng của người lấy mình khi góa hoặc đã ly hôn” (theo “Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, 1997”). Với người đàn ông, người xưa quan niệm việc hôn nhân đổ vỡ như sợi dây đàn đã đứt nên khi lấy vợ khác được gọi là “tục huyền” (nối lại sợi dây đàn). Người phụ nữ lấy chồng lần nữa được thì gọi là “tái giá” (xuất giá thêm lần nữa). Một cuộc hôn nhân mới cũng có nghĩa là những đứa con với người chồng (vợ) trước sẽ phải sống trong vòng tay của người xa kẻ lạ.
Truyện dân gian hầu hết lên án sự tàn ác của những cha ghẻ, mẹ ghẻ như: “Sự tích con dế”, “Mụ dì ghẻ độc ác”... Cô Tấm thảo hiền trong truyện cổ tích “Tấm Cám” hết lần này đến lần khác bị mẹ ghẻ dồn vào đường cùng khiến không nhiều người đau xót. Hay bà mẹ ghẻ trong truyện “Sự tích chim đa đa” cho con riêng của chồng mỗi ngày ăn cát phủ lên một lớp cơm trắng và là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đa Đa khiến cậu bé phải chết biến thành loài chim có tiếng kêu đầy trách hờn, tủi vã:
“Bát cơm cát trả cho cha
Đánh bể óc, ác la, ác la đa”
Mẫu số chung của những nhân vật “cha ghẻ”, “mẹ ghẻ” trong truyện dân gian là luôn căm ghét người con riêng của chồng (vợ), tìm mọi thủ đoạn để hãm hại, loại bỏ... nói lời ong tiếng ve để chồng (vợ) hiểu sai về con ruột của mình.
Trong quan niệm xưa, người ta luôn có cái nhìn “ác cảm” với những ông cha ghẻ, bà mẹ ghẻ. Chúng tôi thử khảo sát trong dòng văn học dân gian, chưa thấy có tác phẩm nào ca ngợi đạo đức của những nhân vật này. Phải chăng là người xưa muốn lên án sự tàn bạo, vô nhân đạo ấy để xây dựng một lối sống một quan niệm tốt đẹp hơn, nhân văn hơn?
Ca dao từ ngàn xưa đã đúc kết mối quan hệ “mẹ ghẻ con chồng”:
“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”
Bánh đúc là một thứ bánh bằng bột gạo và bột mì, không nhưn và mềm oặt, lịu ịu, người ta ví hình ảnh là “bánh đúc không xương”. Điều đó cũng có nghĩa là bánh đúc chẳng đời nào “có xương” cả, cũng như mẹ ghẻ thì đời nào thương con chồng.
*
* *
Ngày nay, quan niệm này dần thay đổi khi bên cạnh những mẹ ghẻ cha ghẻ độc ác thì ngày càng có nhiều cha kế, mẹ kế xem con riêng của người bạn đời của mình như con ruột, tuyệt nhiên không phân biệt đối xử. Có không ít câu chuyện thật - “truyện cổ tích thời hiện đại” mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Đơn cử như bà Hà Thị Đông ở tỉnh Bắc Giang cám cảnh người thương binh hạng nặng goá vợ phải nuôi năm con nhỏ, trong đó có hai người bị bệnh tâm thần đã gá nghĩa với ông. Không lâu sau, ông qua đời. Bà vẫn ở vậy chăm sóc các con, không nghĩ gì chuyện “mẹ ghẻ con chồng”. Bà đã chạy vạy khắp nơi để chữa cho khỏi căn bệnh tâm thần nhẹ cho một người con. Niềm vui của bà là 4 người con đã yên bề gia thất, duy chỉ còn một người bị tâm thần nặng bà vẫn nuôi dưỡng, chăm sóc bằng tình mẫu tử thiêng liêng. Dù anh đã ngoài 30 tuổi nhưng bà vẫn phải mớm từng muỗng cơm, tắm giặt cho anh. Những khi anh lên cơn la lối, quậy quạng mà bà chỉ biết khóc vì thương con... Giờ đây, bà Đông mắc bệnh nan y. Nỗi lo lớn nhất ở tuổi xế chiều là bà sợ khi bà chết, không ai chăm sóc cho đứa con kém may mắn ấy...
Ai từng biết mà không xúc động về hình ảnh thầy Hoà ở Hà Tĩnh chấp nhận cưới và cưu mang một người phụ nữ bệnh tật cùng đứa con gái riêng của vợ bị tật nguyền. Hàng ngày, người cha dượng lặn lội đẩy xe lăn đưa con đến trường khiến nhiều người thương cảm.
Riêng tôi, không biết tự bao giờ, hai tiếng “mẹ ghẻ” đã không còn tạo nên sự ác cảm nữa khi từng chứng kiến cảnh hình ảnh người phụ nữ ở gần xóm tôi lấy người chồng đã chết vợ. Dù sống trong cảnh khó nghèo nhưng người mẹ kế vẫn thương cháu bé hết mực. Nhiều lần tôi chứng kiến chị chở con gái đi học, cháu bé hôn lên má chị rồi vẫy tay chào trước khi vào lớp. Chị về mà gương mặt ánh lên niềm vui. Thế mới biết, cuộc đời... “Lắm khi... bánh đúc có xương”!
Cũng có lẽ không nên kết luận quan niệm của người xưa quá thiên lệch, ác cảm. Bởi trong xã hội phong kiến, quan niệm về tình cảm có nhiều điểm khác với ngày nay. Trong bối cảnh lịch sử của xã hội ấy, chẳng qua, ông bà ta muốn lên án, phê phán tình cảnh “mẹ ghẻ, con chồng” hay “cha ghẻ” để không còn những cô Tấm, những cậu bé Đa Đa nhằm hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, có tính nhân văn, chân-thiện-mỹ. Những khát vọng, những mong muốn của người xưa gửi gắm trong chuyện kể, ca dao. Ngẫm nghĩ chuyện xưa, chuyện nay, cũng là cách để chúng ta rút ra những bài học tốt đẹp để sống tốt hơn, nghĩa tình hơn.
Quê tôi bây giờ vẫn là sông xanh nước biếc, những rặng bần vẫn sum suê trái chín, vẫn xanh ngắt một màu lá dừa nước của quê hương. Vẫn còn đó những chiếc xuồng con len lỏi qua những kinh rạch, mương, bàu... nhưng cảnh những đứa con riêng bị cha ghẻ, mẹ ghẻ đánh đập, hành hạ đã không thấy. Dường như ước vọng của người xưa đã thành hiện thực? Có thể chưa hoàn toàn như vậy nhưng chắc một điều rằng với quan niệm của xã hội mới, được cụ thể hóa bằng pháp luật, trẻ con được bảo vệ tốt hơn thì đức độ, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam ngày một hoàn thiện, mãi mãi bền bỉ, trường tồn.
Đặng Duy Khôi