Mâu thuẫn về tiền bạc là một trong những nguyên nhân khiến các cặp đôi rạn nứt tình cảm. Có thể chưa phải đưa nhau ra tòa, nhưng việc tranh cãi liên tục về tiền bạc có thể phá hủy hạnh phúc gia đình.
Mâu thuẫn phát sinh
Anh Hữu Nam và vợ là chị Bích Hằng (Tiền Giang) cưới nhau chưa đầy 4 năm nhưng đã phát sinh mâu thuẫn tiền bạc, rạn nứt tình cảm. Anh Nam là chủ vựa trái cây, thu nhập khá. Khi mới cưới, đôi vợ chồng trẻ rất hạnh phúc. Chị Bích Hằng có thói quen chi tiêu mạnh tay vào quần áo, mỹ phẩm. Dăm bữa nửa tháng, chị lại đi chợ huyện sắm sửa. Khi việc làm ăn thuận lợi thì không sao, nhưng khi tình hình kinh doanh của anh Nam không tốt mà chị Hằng vẫn giữ thói quen tiêu xài phung phí nên vợ chồng xào xáo.
Dù đã 5 năm trôi qua nhưng chị Hồng Cúc (TP Cần Thơ) vẫn thấy buồn mỗi khi nhắc lại sự việc anh Thái Bảo - chồng chị, đứng ra mượn giúp chị của anh 200 triệu đồng để “đáo hạn ngân hàng”, hẹn sẽ trả ngay nhưng sau đó thất hứa. Chị Cúc kể, vợ chồng chị kết hôn 10 năm, dành dụm tích lũy được mảnh đất nhỏ chuẩn bị cất nhà. Tuy nhiên, ước mơ đó chẳng biết khi nào thành sự thật vì món nợ “trên trời rơi xuống”. Chị Cúc bức xúc: “Tôi làm viên chức, mỗi tháng thu nhập khoảng 7 triệu đồng; thời điểm đó, chồng tôi công việc bấp bênh, vợ chồng ở nhà trọ. Vậy mà trước khi quyết định việc lớn, anh không hề hỏi qua ý kiến tôi. Sự thiếu tôn trọng ấy khiến tôi hụt hẫng”.
Sau nhiều lần nghe vợ báo tin “đang nợ tiền bạn bè, tới hạn trả” vì giúp đỡ gia đình bên vợ với đủ lý do, anh Hữu Ðạt (TP Sóc Trăng) đã mất hẳn niềm tin. Mới đây, anh phải đưa vợ đi đối chất về món nợ chị đã vay mượn và tới hạn trả. Anh Ðạt bức xúc: “Khi gửi trả số tiền mà vợ đã vay, tôi dặn dò bạn là đừng bao giờ cho vợ tôi mượn tiền nữa. Bạn có vẻ bất ngờ và buồn vì không hiểu lý do tôi bức xúc, bởi theo lời vợ tôi, cô ấy nói mượn tiền cất nhà, bạn cả nể mới cho mượn. Không lẽ tôi phải kể “tội” của vợ với bạn”.
Cần chia sẻ và tôn trọng
Khi anh Hữu Nam cho hay tình hình làm ăn sa sút, liên tục bị khách hủy đơn hàng, doanh thu giảm, vợ chồng cần tính toán lại việc kinh doanh và chi tiêu, chị Hằng vẫn không chia sẻ khó khăn với chồng và vẫn giữ thói quen tiêu xài hoang phí. Chán nản vì công việc làm ăn thất bại, cộng thêm người bạn đời thiếu cảm thông, anh Nam mượn rượu giải sầu, tình cảm vợ chồng ngày càng phai nhạt. Sau nhiều lần hàn gắn không thành, đôi vợ chồng trẻ đã chính thức đường ai nấy đi.
Từ khi gánh số nợ lớn, biết lỗi của mình nên anh Thái Bảo quyết định đi làm xa để có thu nhập tốt hơn, phụ vợ trả nợ. Chị Cúc tâm sự: “Suy nghĩ lại, tôi vừa giận vừa thương chồng. Thương vì anh bị người thân lừa gạt; giận hơn là suốt 5 năm qua, chị chồng bỏ xứ trốn nợ... Sau sự việc này, vợ chồng tôi thống nhất bất cứ việc lớn nhỏ gì, khó khăn tới đâu, vợ chồng cũng bàn bạc để có hướng giải quyết. Hiện tại, chúng tôi chỉ trả được một nửa số nợ, nhưng vợ chồng đã thấu hiểu và tôn trọng nhau hơn, không còn cắn đắng như trước”.
Theo anh Hữu Ðạt bày tỏ, sau khi cưới nhau một thời gian, anh phát hiện em trai út của vợ rất mê cờ bạc, cá độ. Vợ đã giấu anh trả nợ cho em trai nhiều lần. Sau này, số tiền quá lớn, cô ấy mới thú nhận. Lần gần đây nhất, cha mẹ vợ anh thế chấp giấy tờ nhà, để trả nợ, rồi đến ngày trả nợ ngân hàng, ông bà không có tiền, ngân hàng gởi hồ sơ qua tòa án. Vì để giữ uy tín cho gia đình, vợ anh mới liều mượn tiền bạn. “Sau khi nghe xong, mặc dù rất thông cảm nhưng đây là lần cuối cùng tôi nhượng bộ. Ðể trả số nợ mà vợ đã vay mượn bạn bè, tôi phải thế chấp căn nhà được cha mẹ tôi cho riêng khi cưới vợ. Nếu cha mẹ tôi biết, tôi cũng khó ăn khó nói với gia đình. Do đó, nếu vợ còn gây nợ, chắc hôn nhân của chúng tôi khó bền vững”.
Theo chia sẻ của nhiều cặp đôi hạnh phúc, có những thời điểm họ cũng rơi vào “khủng hoảng” kinh tế. Quan trọng là cách hành xử của người trong cuộc. Vợ chồng cần phải xây dựng những nguyên tắc, tạo dựng lòng tin vững chắc, khi có vấn đề, cần dựa trên nguyên tắc trung thực, tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu để giải quyết. Như vậy, hôn nhân mới có thể bền vững.