21/04/2024 - 08:21

Mặt trái của sự bùng nổ năng lượng sạch ở Ấn Ðộ 

Nằm cách thành phố Bengaluru 160km về phía Bắc, Pavagada là nhà máy quang điện lớn thứ ba thế giới, với 25 triệu tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) trải rộng trên diện tích 50 km2 và đạt công suất tối đa 2.050MW. Ấn Độ có 11 nhà máy NLMT quy mô tương tự và đang tính mở thêm 39 nhà máy khác trên 12 bang vào năm 2026. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành NLMT tại nước này cũng có mặt trái - đó là rủi ro từ lượng chất thải khổng lồ từ pin quang điện.

Tayyab thường tháo dỡ tấm pin NLMT bằng tay và công cụ thô sơ.

Ông Atif Mirza, giám đốc Fusion Sprint Recycler - một nhà thầu xử lý rác thải NLMT ở bang Uttar Pradesh, cho biết mặc dù nhà sản xuất khẳng định tuổi thọ của các tấm pin kéo dài hàng thập kỷ, nhưng sự xuống cấp của chúng lại diễn ra sớm hơn. Các tấm pin có thể bị vỡ trong quá trình lắp đặt, vận chuyển hoặc hư hỏng do mưa bão. Và với mục tiêu đạt sản lượng 280GW NLMT vào năm 2030, một nghiên cứu dự báo rằng Ấn Độ sẽ tích lũy hơn 600.000 tấn chất thải NLMT vào thời điểm đó và con số này sẽ tăng gấp 32 lần - tới hơn 19 triệu tấn - vào năm 2050.

Theo quy định, chất thải NLMT từ các nhà máy phải được chuyển giao cho các nhà thầu xử lý rác thải điện tử, đã được Ban Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương (CPCB) của Ấn Độ ủy quyền, trong khoảng thời gian từ 90-180 ngày. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Naranaiah Amaranath của Tập đoàn Phát triển NLMT Karnataka (đơn vị giám sát nhà máy NLMT Pavagada) thừa nhận rằng mặc dù có các quy định cơ bản về quản lý rác NLMT, nhưng trách nhiệm phần lớn thuộc về các công ty tư nhân sở hữu các nhà máy NLMT.

“Hầu hết các nhà máy NLMT đều nằm ở những vùng xa xôi, vì vậy chi phí hậu cần và vận chuyển rất tốn kém. Và một khi bị tháo rời thì từng bộ phận không còn giá trị gì nữa” - Srinivas Vedula, một nhân viên của công ty tái chế rác thải điện tử EPragath, cho biết. Mirza, một nhà thầu của các nhà máy NLMT thuộc Ayana Renewable Power, thì nói rằng ông bán các bộ phận đã tháo dỡ cho thương lái nhưng không biết họ làm gì với chúng.

Khó khăn khi xử lý rác NLMT

Và bởi vì các nhà thầu xử lý chất thải điện tử được ủy quyền thường không muốn xử lý chất thải theo giao thức CPCB, nên một mạng lưới các nhà khai thác không chính thức - gồm những người tháo dỡ, thu gom, vận chuyển và tái chế các tấm pin - đã nhảy vào tham gia.

Hussain vốn xuất thân từ một gia đình khai thác rác thải điện tử từ các thiết bị gia dụng, máy tính và tivi, nhưng gần đây đã mở rộng sang lĩnh vực xử lý rác thải NLMT. “Có rất ít người thực sự làm công việc này”, Hussain cho biết và tiết lộ những nhà tái chế lớn thường tuyên bố là đơn vị xử lý rác thải điện tử và rác NLMT, nhưng lại thường chuyển rác cho phía ông xử lý. Tại xưởng của Hussain, hơn 50 công nhân tháo dỡ các tấm pin để bán từng bộ phận cho thương lái, trong đó bạc có giá trị nhất.

Vì đa số họ là “tay ngang” và không có công cụ chuyên dùng để tháo dỡ các tấm pin bị hỏng, nên họ trở thành đối tượng có nguy cơ bị thương nhiều nhất khi xử lý loại rác này. Như trường hợp của Tayyab, một thanh niên 20 tuổi đang cùng anh chị em gia đình làm công việc tháo gỡ rác NLMT. “Tôi tháo khung kim loại, tách kính và phân loại các kim loại khác nhau để có thể bán riêng. Không có thiết bị an toàn nào có thể ngăn ngừa vết cắt từ thủy tinh và kim loại sắc nhọn”, Tayyab kể.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết