03/12/2017 - 09:01

MagikMe – nơi mang lại quyền vui chơi cho mọi trẻ em 

Với mong muốn mang lại thêm nhiều tiếng cười và cơ hội chơi đùa cho những trẻ em không may mắn được sinh ra lành lặn, một nhóm phụ huynh ở Hungary đã cùng nhau sáng lập nên công ty chuyên sáng chế các thiết bị sân chơi dành cho cả trẻ khuyết tật và trẻ khỏe mạnh MagikMe.

Bà Eszter Harsanyi và con trai chơi đùa với tấm ván bập bênh “Bươm bướm”. Ảnh AFP

“Chúng tôi từng thấy thất vọng vì những đứa con của mình - cả khuyết tật lẫn lành lặn - đã chơi vui vẻ với nhau ở nhà, nhưng lại không thể chơi ở các khu vui chơi. Trẻ khuyết tật cũng có quyền được chơi đùa mà”- bà Eszter Harsanyi, một trong 5 phụ huynh đồng sáng lập MagikMe, nói.

Người mẹ 44 tuổi kể rằng cậu con trai Aron 7 tuổi của bà bị chứng động kinh từ lúc chào đời, nên buộc phải ngồi xem anh trai khỏe mạnh mặc sức chơi đùa trên các khung leo trèo hay mải mê nghịch cát ở các khu sân chơi suốt nhiều năm. Nhưng giờ đây, Aron cũng có thể chơi đùa tại khoảng 30 sân chơi ở Thủ đô Budapest, cũng như tại 30 sân chơi khác trên toàn quốc, có trang bị sẵn các thiết bị MagikMe.

  Trong buổi tiếp xúc với phóng viên AFP ở một sân chơi như thế, Harsanyi không quên giới thiệu về tấm ván bập bênh sửa đổi “Bươm bướm” của MagikMe. Sản phẩm được thiết kế thêm 2 chân phụ, các tay nắm và đôi cánh dọc theo 2 bên để chống té ngã. Nhờ đó, trẻ khuyết tật có thể tự trèo ra khỏi xe lăn hoặc được đặt xuống để chơi bập bênh mà không cần nắm giữ vào người chăm sóc. “Bươm bướm giúp Aron hòa nhập rất nhiều với bạn bè khỏe mạnh đồng trang lứa. Nó cũng an toàn cho những đứa trẻ khỏe mạnh nhưng chưa biết ngồi” - Harsanyi cho biết trong khi giúp con trai leo lên bập bênh.

Arpad Koncz, một phụ huynh khác cũng đang có mặt tại sân chơi khi đó, nói rằng ông đã ngạc nhiên và thấy buồn khi biết rằng đa số thiết bị sân chơi đều cấm trẻ em khuyết tật lui tới. “Lần đầu tiên mà con bé khỏe mạnh nhà tôi gặp một ai đó khác biệt nó là ở đây. Thật tốt khi chúng trải qua điều này sớm trong đời”- ông Koncz chia sẻ.  “Chơi cùng nhau giúp những đứa trẻ khỏe mạnh hiểu được ý nghĩa về sự khác biệt, cũng như cách nói chuyện, cười đùa, lắng nghe và thậm chí là chạm vào những đứa trẻ khuyết tật” – bà Harsanyi nói thêm.

Harsanyi tin tưởng rằng những sân chơi có tính chất “bao trùm” (tức có cả trẻ khỏe mạnh và khuyết tật) như thế có thể giúp xã hội trở nên khoan dung về lâu dài. Theo bà, tình trạng trẻ khuyết tật thiếu cơ hội tiếp cận sân chơi không phải là vấn đề của Hungary, mà còn là của toàn cầu. Và MagikMe có dự định mở rộng hoạt động ra nước ngoài - trong đó có Áo và Slovakia, bên cạnh việc thiết kế thêm các thiết bị cảm biến và xúc giác mới dành cho trẻ em.

Câu chuyện trên nhắc nhở tất cả chúng ta ghi nhớ, chia sẻ và hành động nhân Ngày Quốc tế về người khuyết tật 3-12.

AN NHIÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
HungaryMagikMe