Ngày 26-5, một máy bay chở khách của Belarus đi từ thủ đô Minsk đến Barcelona (Tây Ban Nha) đã phải quay đầu vì bị Pháp từ chối cho qua không phận. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Belarus và các nước châu Âu gia tăng sau khi Belarus buộc máy bay chở khách của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk để kiểm tra an ninh và bắt giữ một nhân vật đối lập.

Một máy bay của Belavia.
Theo Hãng tin AFP, trong thông báo của mình, Hãng hàng không nhà nước Belarus Belavia cho biết máy bay mang số hiệu B2869 chở 56 hành khách không được cho phép bay qua không phận Pháp và phải “lòng vòng” trên không trong khoảng 2 tiếng đồng hồ trước khi quay trở lại Minsk. Kiểm soát không lưu Pháp nói rằng họ làm theo “lệnh từ Thủ tướng Pháp”.
Bộ Ngoại giao Belarus đã chỉ trích hành động trên, nhấn mạnh hầu hết hành khách trên máy bay là công dân của Liên minh châu Âu (EU) và điều này đe dọa sự an toàn của họ. Người phát ngôn bộ này cũng cáo buộc nhà chức trách Pháp vi phạm Công ước Chicago về đi lại bằng đường hàng không.
Chỉ vài giờ sau vụ việc trên, Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France thông báo hủy chuyến bay Paris - Mát-xcơ-va sau khi Nga không chấp thuận đường bay mới tránh qua không phận Belarus.
Cùng ngày, Ba Lan đã thông qua một lệnh cấm các chuyến bay của Belarus qua không phận nước này. Đây là một phần của các biện pháp trừng phạt mà EU đã nhất trí trước đó liên quan tới vụ máy bay của Ryanair phải hạ cánh khẩn cấp để kiểm tra an ninh.
Ba Lan có chung đường biên giới với Belarus và lệnh cấm dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến các chuyến bay đến Đông Âu của các hãng hàng không Belarus.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên nhất trí yêu cầu đóng cửa các sân bay của khối này với tất cả các máy bay của Belarus, đồng thời yêu cầu các hãng hàng không châu Âu tránh bay qua không phận Belarus. Cho tới nay, các hãng hàng không Đức và Hà Lan, lần lượt là Lufthansa và KLM, đã quyết định không bay qua không phận Belarus. Ngoài ra, EU cũng cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân liên quan đến chính quyền Belarus.
Căng thẳng giữa Belarus và nhiều nước phương Tây gia tăng xuất phát từ việc máy bay của Ryanair ngày 23-5 đang trên hành trình từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Litva) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở thủ đô Minsk của Belarus sau khi phi hành đoàn nhận được thông báo có thiết bị nổ trên máy bay. Máy bay tiêm kích MiG-29 thuộc Lực lượng Vũ trang Belarus đã cất cánh để hộ tống máy bay của Ryanair hạ cánh. Lực lượng chức năng Belarus đã kiểm tra sơ bộ cả trong và ngoài máy bay cũng như khoang hành lý, sau đó kiểm tra kỹ trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Các chuyên gia chất nổ đã không phát hiện vật thể khả nghi nào. Nhà chức trách Belarus cho biết trong quá trình kiểm tra máy bay đã phát hiện trong danh sách hành khách có người đồng sáng lập kênh truyền hình Nexta Romat Protasevich mà chính quyền nước này năm ngoái cáo buộc phạm một loạt tội danh, trong đó có tổ chức các cuộc bạo động quy mô lớn. Cơ quan bảo vệ pháp luật Belarus đã bắt giữ người này.
Belarus khẳng định sẵn sàng mời lãnh đạo Nga, Mỹ cùng đối thoại
Ngày 26-5, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố sẵn sàng mời các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ tới Minsk nếu họ muốn thảo luận “thẳng thắn” về mọi vấn đề trong quan hệ song phương.
Theo euronews.com, phát biểu tại quốc hội, Tổng thống Lukashenko nêu rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden “nên tới với chúng tôi (Belarus)” và “Tôi sẽ đón tiếp họ. Chúng tôi sẽ cùng thảo luận về tất cả các vấn đề”. Nhà lãnh đạo Belarus cũng cho biết sẽ thảo luận với người đồng cấp Nga Putin tại thành phố Sochi, miền Nam nước Nga, vào ngày 28-5.
Liên quan tới vụ Belarus chuyển hướng máy bay của Hãng hàng không Ryanair, Tổng thống Lukashenco tái khẳng định mục đích của chính phủ là bảo vệ người dân và nước này đã hành động theo luật pháp, phù hợp với các quy định quốc tế. Ông đồng thời cáo buộc phương Tây tiến hành một “cuộc chiến tranh” chống lại Nhà nước Belarus.
Cùng ngày, Mỹ và các nước phương Tây là ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nhanh chóng điều tra vụ máy bay của Ryanair phải hạ cánh khẩn cấp mà họ cho là “chưa có tiền lệ và không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Nga vẫn duy trì quan điểm rằng máy bay này buộc hạ cánh khẩn cấp ở Minsk là do có đe dọa đánh bom.
PHƯƠNG OANH (TTXVN)