14/04/2012 - 21:02

Chế biến và sử dụng thịt cóc

Lưu ý vấn đề an toàn sức khỏe

Thịt cóc là nguồn dinh dưỡng tốt cho sự phát triển và phục hồi dinh dưỡng, nhất là với trẻ nhỏ. Trong 100g thịt cóc có chứa 18,6g chất đạm và một số yếu tố vi lượng khác như kẽm, sắt, can – xi… Tuy vậy, khi sử dụng thịt cóc người dân cần phải hết sức cẩn thận, bởi trong da, gan và trứng cóc… có chứa rất nhiều độc tố gây chết người.

Lâu nay, thịt cóc vẫn được không ít người dân sử dụng như một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và có sẵn tại địa phương. Cóc rất dễ tìm, nhất là ở những vùng nông thôn xa và thường xuất hiện rất nhiều vào mùa mưa. Chị L.T.T.K (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Con trai 3 tuổi của tôi bị suy dinh dưỡng nên tôi thường nấu cháo cóc cho cháu ăn. Tôi nghe nói, trong thịt cóc có chứa rất nhiều chất đạm, giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng suy dinh dưỡng của cháu”. Còn chị T.M.C (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) nói: “Tôi biết trong thịt cóc, chứa rất nhiều độc tố có thể gây tử vong. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, tôi chỉ lấy thịt cóc và bỏ hết các phần còn lại, thì sẽ tránh được các nguy cơ ngộ độc. Tôi thường nấu cháo cóc đậu xanh, để bồi bổ sức khỏe cho người thân trong gia đình, khi vừa hết bệnh”.

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: Giá trị dinh dưỡng của thịt cóc là điều không thể phủ nhận. Bởi trong 100g thịt cóc có chứa khoảng 18,6g chất đạm, gần tương đương với lượng đạm trong mỗi 100g các loại: thịt bò: 21g, thịt heo nạc: 19g, thịt gà: 20,3g, thịt vịt: 17,8g, thịt ếch: 20g... Ngoài ra, thịt cóc còn có một lượng đáng kể sắt, kẽm, mangan và một số yếu tố vi lượng khác. Hàm lượng kẽm và mangan trong thịt cóc cao hơn cả thịt ếch, thịt gà, thịt bò và thịt heo, cụ thể: kẽm: 1,45mg, mangan: 2,89mg. Tuy nhiên, cóc có nhiều độc tố trên cơ thể, có thể gây nguy hiểm cho cả người chế biến và người dùng. Do vậy, chúng ta phải cân nhắc và hết sức cẩn thận khi sử dụng thịt cóc.

Trứng, gan và da cóc chứa rất nhiều độc tố. Trên thực tế, đã có rất nhiều người tử vong do ăn phải những thành phần này. Dưới da cóc xù xì có nhiều tuyến chứa nọc độc (độc tố bufotoxin) rất mạnh, có thể gây tử vong trong khoảng 1-2 giờ, sau khi ăn. Nhựa cóc là nhựa tiết ở tuyến sau mang tai, tuyến trên mắt và tuyến trên da của cóc. Chất độc trong tuyến mang tai có lượng độc tố rất cao, khi dính vào tay nhiều lần sẽ gây rộp da, lở loét da; dính vào mắt sẽ gây sưng đau và tổn thương. Trong gan và trứng cóc cũng có chứa độc tố bufotoxin, nhưng ít hơn so với ở da cóc. Ông Đàm Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, cho biết: “Về mặt lý thuyết, thịt cóc không chứa độc tố và là bộ phận duy nhất người dân có thể chế biến, sử dụng. Tuy vậy, không ít trường hợp chỉ ăn thịt cóc, vẫn bị ngộ độc và tử vong. Nguyên nhân là trong quá trình chế biến cóc không cẩn thận, đã làm dập nát da cóc và các phần phủ tạng (gan, ruột, phổi, trứng...) khiến độc tố lây nhiễm vào thịt cóc. Do đó, trong lúc làm thịt cóc phải hết sức cẩn thận, nhẹ tay, để cóc không bị dập nát, từ từ lột bỏ hết da, phủ tạng cóc và rửa thật sạch dưới vòi nước chảy mạnh. Không được mạo hiểm thử nghiệm độc tố cóc có trong gan, mật, phổi..., chỉ lấy thịt và xương cóc chế biến”.

Các triệu chứng xảy ra khi bị nhiễm độc cóc, thường dễ nhận thấy như: rối loạn tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn; rối loạn tim mạch: huyết áp cao, nhịp tim nhanh; rối loạn thần kinh và tâm thần; đi lảo đảo, co giật, sùi nước bọt, có thể gây ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách. Liều cao hơn nữa, có thể gây ức chế trung tâm hô hấp, cuối cùng gây ngưng thở.

Khi có những biểu hiện của triệu chứng ngộ độc, người dân cần phải nhanh chóng rửa kỹ bằng nước sạch nhiều lần, vùng da ở tay, chân, niêm mạc mắt, miệng, khi bị dính nhựa cóc từ da cóc. Nếu vùng da, niêm mạc có cảm giác rát nóng, bỏng hoặc sưng phồng lên thì đưa ngay bệnh nhân đi bệnh viện. Nếu ăn các thức ăn được chế biến từ thịt cóc có chất độc và biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng ngộ độc sau khi ăn, cần phải nhanh chóng kích thích cho bệnh nhân nôn ói và ói nhiều, càng sớm càng tốt, sau đó đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu.

Hiện nay, trên thực tế có rất nhiều nguồn thực phẩm phong phú, cung cấp rất nhiều chất đạm, vi chất dinh dưỡng từ các loại động vật như: thịt gà, vịt, bò, heo... và các loại thủy hải sản như: tôm, cua, cá, trứng, sữa hoặc các loại đậu đỗ. Nếu người dân có điều kiện mua các loại thực phẩm này thì không nên dùng thịt cóc. Những loại thực phẩm này rất dễ mua, dễ tìm và giá trị dinh dưỡng vẫn được bảo đảm. Vấn đề ở đây là, làm sao đảm bảo cho trẻ và những bệnh nhân suy dinh dưỡng chế độ ăn cân bằng, hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm. Trong trường hợp, người dân muốn sử dụng thịt cóc và các sản phẩm chế biến từ thịt cóc thì cần phải xem xét kỹ lưỡng các sản phẩm đó đã đăng ký và được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm hay chưa, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng con người khi sử dụng.

LÊ KHẢI

Chia sẻ bài viết