27/09/2018 - 10:49

Lũ về, bảo vệ sản xuất nông nghiệp 

Là một trong những địa phương đầu nguồn của TP Cần Thơ, quận Thốt Nốt chịu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân khi triều cường kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về. Các ngành, các cấp quận Thốt Nốt đang nỗ lực thực hiện công tác phòng tránh thiên tai.

ẢNH HƯỞNG SẢN XUẤT…

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt,  thời tiết bất lợi, mưa lớn, lốc xoáy xảy ra vào cuối vụ hè thu và thu đông nên một số diện tích lúa bị đổ ngã, ảnh hưởng năng suất, thu nhập của nông dân. Đặc bệt, tình hình nước lũ diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất, làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của nông dân. Từ ngày 13-8 và ngày 10-9-2018, nước thượng nguồn đổ về kết hợp với đợt triều cường đầu tháng 7, tháng 8 Âm lịch đã làm nước tràn bờ ở nhiều tuyến kênh thuộc các phường: Thới Thuận, Thuận An, Trung Nhứt, Trung Kiên, Tân Hưng, Thạnh Hòa, Thuận Hưng và Tân Lộc…, gây bất lợi đối với sản xuất. Tổng chiều dài tuyến kênh bị tràn bờ là 13,5km; chiều dài tuyến kênh có nguy cơ bị tràn bờ là 9,45km. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng do tràn bờ là 1.529,6ha; trong đó, có 1.510,18ha lúa, 19,42ha hoa màu. Trong những đợt triều cường, nước lũ lên cao, quận Thốt Nốt bị thiệt hại 5,66ha lúa, với mức độ từ 30% đến 70%; 9,42ha rau màu bị thiệt hại, với mức độ từ 30% đến 100%.

Đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp ở quận Thốt Nốt được gia cố, hạn chế nước tràn bờ, gây thiệt hại rau màu.

Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Do triều cường lên cao nên xảy ra tràn bờ kênh ở những đoạn đê bao bị xuống cấp, những vòng cung của tuyến kênh cùng giáp với đất liền và ở những điểm bà con dùng để đặt ống bọng bơm, tát nước. Tại các khu vực này, ngành nông nghiệp quận đã kiểm tra và vận động bà con gia cố, nâng cao nền hạ nhằm tránh nước ngập tràn bờ, ảnh hưởng sản xuất trong những đợt triều cường sắp tới”.

Cũng theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, từ đầu năm đến ngày 9-9-2018, trên địa bàn quận xảy ra 4 cơn giông lốc, làm tốc mái hoàn toàn 14 căn nhà và 3 bè cá trên sông Hậu; tốc mái một phần, xiêu vẹo 16 căn nhà, 1 bè cá, 1 kho gạch và sập kho chứa hàng hóa của một doanh nghiệp;  làm đổ ngã 2,2ha hoa màu, gãy 1 trụ điện cáp viễn thông… Đặc biệt, gần 9 tháng qua, quận Thốt Nốt xảy ra 5 điểm sạt lở bờ sông và đoạn kênh có dấu hiệu bị sạt lở, gồm các tuyến sông: Cái Sắn, Cần Thơ Bé, kênh Thơm Rơm, Bò Ót, Ngã Tắc, Trà Uối… với chiều dài 208m, chiều rộng khoảng 0,2m đến 15m. Các vụ sạt lở làm sụp lún sâu vào đường bê tông nông thôn, một phần kho phân của Doanh nghiệp tư nhân Bé Tư. Ước thiệt hại do thiên tai khoảng 1,65 tỉ đồng. Quận Thốt Nốt đã hỗ trợ 15 triệu đồng cho 1 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở;  hỗ trợ 121 triệu đồng cho các hộ bị ảnh hưởng giông lốc. Ngoài ra, địa phương còn phối hợp với ngành chức năng TP Cần Thơ khảo sát các điểm sạt lở và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người dân...

ỨNG PHÓ

Nhằm tránh thiệt hại về lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái và ao nuôi thủy sản trong mùa nước lũ, triều cường lên cao vào cuối tháng 9 và các tháng 10, 11, 12-2018, UBND quận Thốt Nốt chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT - TKCN) quận, UBND và Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các phường hướng dẫn, huy động lực lượng giúp người dân gia cố lại những nơi có đê bao không đảm bảo và những đoạn đê bao bị tràn bờ.

Các phường đã huy động lực lượng xung kích giúp dân gia cố đê bao, ngăn lũ bảo vệ lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái với tổng số 108 đập ngăn lũ; gia cố 22,978km đê bao, khối lượng thực hiện 34.467m3 đất. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại do triều cường, lũ thượng nguồn đổ về, Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt làm hồ sơ gởi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình UBND thành phố hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại. Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt, cho biết: “Để đảm bảo cho vụ lúa thu đông, hoa màu, vườn cây ăn trái và ao nuôi thủy sản trong mùa lũ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận đã yêu cầu các phường tiếp tục vận động người dân ở những vùng đê bao còn thấp gia cố lại cho an toàn. Bà con nông dân chủ động thu hoạch lúa tại khu vực có đê bao không đảm bảo. Chúng tôi chỉ đạo cán bộ bảo vệ thực vật, khuyến nông, thú y, thủy sản… tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong mùa mưa lũ, nhằm đảm bảo năng suất, hạn chế thiệt hại cho nông dân”.

Quận Thốt Nốt còn thực hiện 12 công trình thủy lợi, 5 công trình chống sạt lở bờ sông và xây dựng, nâng cấp 3 tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn tại các phường, với tổng chiều dài 25,268km, khối lượng thực hiện 158.267,4m3, kinh phí đầu tư 14,584 tỉ đồng, phục vụ 687ha đất sản xuất nông nghiệp. Các phường cũng ra quân nạo vét kênh thủy lợi nội đồng, gồm 15 công trình, với tổng chiều dài 4,53km, chi phí thực hiện 152,4 triệu đồng do nhân dân đóng góp, phục vụ 244,5ha đất sản xuất nông nghiệp...

Ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp theo dõi, trực ban PCTT-TKCN 24/24 giờ khi triều cường lên cao, lũ thượng nguồn đổ về. Đặc biệt, các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó và cứu trợ kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Ngành nông nghiệp quận theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ người dân thu hoạch lúa thu đông, rau màu, cây ăn trái đến ngày thu hoạch, nhằm tránh thiệt hại do lũ, triều cường...”. 

Bài, ảnh: VĂN THỨC

Chia sẻ bài viết