25/05/2016 - 15:53

Lối sống nam giới ảnh hưởng to lớn đến thế hệ sau

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ gần đây cho thấy tuổi tác và lối sống của người cha có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con cái, đặc biệt trong giai đoạn trước khi chúng chào đời.

Lâu nay, ai cũng biết lối sống của người mẹ có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe con cái, nhất là trong thời kỳ mang thai. Mới đây, qua phân tích hàng chục cuộc nghiên cứu về mối liên hệ sức khỏe giữa cha và con, Tiến sĩ Joanna Kitlinska, Phó giáo sư ngành hóa sinh và sinh học phân tử tế bào tại Đại học Georgetown, ghi nhận ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn, thói quen uống rượu bia, hút thuốc và tuổi tác của người đàn ông có thể góp phần dẫn đến các dị tật bẩm sinh, bệnh tự kỷ, béo phì, các rối loạn tâm thần và nhiều vấn đề sức khỏe khác ở con cái họ. Dưới đây là những phát hiện mới mà Tiến sĩ Kitlinska và đồng nghiệp vừa khám phá:

Tuổi tác

Trong một nghiên cứu mà nhóm của Tiến sĩ Kitlinska xem xét, những đứa trẻ được sinh ra khi người cha đã ngoài 40 tuổi có nguy cơ bị tự kỷ cao hơn những bé chào đời lúc cha dưới 30 tuổi. Nhiều nghiên cứu lớn sau đó đã giúp củng cố bằng chứng cho phát hiện này. Những người cha lớn tuổi còn có xu hướng sinh ra đứa con dễ phát triển chứng tâm thần phân liệt. Một nghiên cứu khác cho thấy tuổi của người cha càng lớn thì nguy cơ sinh ra đứa con mắc dị tật bẩm sinh (như các vấn đề về tim và hội chứng Down) càng cao. Rủi ro này tăng lên sau tuổi 35 và nguy cơ càng lớn hơn ở những người cha trên 50.

Ảnh: Daily Mail 

Dù chưa phát hiện ra mối liên hệ trực tiếp giữa tuổi của cha và nguy cơ bệnh tật của con, song các nhà khoa học giải thích rằng tuổi tác có thể làm biến đổi cấu trúc gien của người cha và điều này có thể được truyền sang đứa con.

Chế độ ăn uống

Cha bị béo phì thì nhiều khả năng sẽ sinh ra đứa con có nguy cơ cao mắc bệnh này. Con của họ cũng dễ phát triển bệnh tiểu đường và một số dạng ung thư nào đó. Lý do là béo phì và dinh dưỡng kém tạo ra những thay đổi ở các gien nhất định vốn liên quan trực tiếp đến những bệnh vừa nêu.

Sử dụng rượu bia và thuốc lá

Nghiên cứu của Tiến sĩ Kitlinska còn phát hiện cứ 4 đứa trẻ được chẩn đoán bị rối loạn ở thai nhi do rượu (FASD) thì có tới 3 em là con của những ông bố nghiện rượu. Những trẻ bị FASD thường nhẹ cân khi sinh, não kém phát triển và bị rối loạn học tập (còn gọi là chứng khó học), tức là mất khả năng tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới. Theo nghiên cứu, người cha lạm dụng thức uống có cồn có thể ảnh hưởng đến gien của đứa con cho dù người mẹ không sử dụng rượu bia trước hoặc trong thời kỳ mang thai. Những thay đổi về mặt di truyền này có thể dẫn đến việc sinh ra đứa trẻ có các triệu chứng của FASD.

Đối với những người cha hút thuốc lá, những chất độc hại trong khói thuốc có thể phá hủy tinh trùng của họ và trực tiếp ảnh hưởng đến hệ gien ở đứa con.

Quá căng thẳng tinh thần

Nhiều nghiên cứu tiến hành trên động vật cho thấy chuột đực thường xuyên bị căng thẳng tinh thần (stress) mức độ cao thì con của chúng dễ mắc các chứng rối loạn hành vi. Trong các nghiên cứu này, trạng thái căng thẳng dường như đã làm biến đổi một số gien nào đó và chúng được truyền sang thế hệ tiếp theo.

DUNG PHƯỢNG (Theo Web MD)

Chia sẻ bài viết