06/10/2019 - 07:32

Lối sống của bạn có làm tăng nguy cơ ung thư vú? 

Nhân Tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú, Kênh tin tức châu Á của Singapore đã phỏng vấn các chuyên gia y tế về những thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư vú - dạng ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất ở nữ giới.

Theo Tiến sĩ Raymond Ng Chee Hui, chuyên gia tư vấn cao cấp của Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, nguyên nhân gây ung thư có rất nhiều. Ngoài các yếu tố nguy cơ khó tránh như di truyền, tuổi tác và giới tính là nữ, một số lựa chọn trong lối sống hàng ngày cũng góp phần khiến bệnh phát triển.

►Uống nhiều bia, rượu

Với mỗi 10g cồn uống thêm mỗi ngày, nguy cơ ung thư vú tăng thêm 5% ở phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh và 9% ở những người đã mãn kinh - Tiến sĩ Samuel Ow, chuyên gia tư vấn của Khoa Huyết học-Ung thư thuộc Viện Ung thư Đại học Quốc gia Singapore, cho biết. Một ly đồ uống có cồn tiêu chuẩn chứa khoảng 14g cồn, thường có trong một chai/lon bia 355ml, một ly rượu 145ml hoặc một ly rượu mạnh 45ml.

Theo giải thích của Tiến sĩ Esther Chuwa về giải phẫu vú tại Bệnh viện Gleneagles, bia rượu có thể thay đổi cách thức chuyển hóa estrogen, làm tăng lượng estrogen và các kích thích tố khác liên quan đến ung thư vú loại dương tính với thụ thể hoóc-môn. Ngoài ra, bia rượu cũng có thể phá hỏng ADN, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bạn đừng nghĩ uống rượu vang đỏ sẽ tốt hơn, bởi nó vẫn chứa cồn.

►Tăng cân

Giám sát cân nặng để ngừa ung thư vú quan trọng hơn lý do mặc vừa quần áo và trông đẹp - nhất là phụ nữ lớn tuổi. Tiến sĩ Chuwa cho biết sau mãn kinh, mức estrogen giảm đáng kể do buồng trứng ngừng sản xuất hoóc-môn này. Nhưng ở người bị thừa cân hoặc béo phì, estrogen tiếp tục được tạo ra bởi các mô mỡ. Cùng với estrogen, mỡ cơ thể cũng tạo ra insulin - đều là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú. Không chỉ vậy, béo phì còn làm tăng nguy cơ phát triển khối u trong ruột kết, tử cung và tuyến tụy.

Tin vui là tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm từ 10-20% nguy cơ ung thư vú. Để đạt được lợi ích bảo vệ đó, bạn cần tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần với cường độ vừa phải (như đi bộ nhanh hoặc đi xe đạp) hoặc 75 phút/tuần với cường độ mạnh (như chạy bộ hoặc bơi lội). Tốt nhất là các bài tập cardio, làm tăng nhịp tim, nhịp thở và đổ mồ hôi.

Tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Ảnh: Pexels

►Tiêu thụ tàu hủ, sữa đậu nành và đậu nành lông- tùy theo lượng isoflavone trong thực phẩm

Đậu nành, sữa đậu nành và các thực phẩm giàu isoflavone khác được cho là tác nhân làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Isoflavone là phytoestrogen, phiên bản thực vật của estrogen, có thể liên quan đến sự gia tăng nguy cơ nói trên. Nhưng Tiến sĩ Chuwa cho biết vấn đề nằm ở hàm lượng isoflavone và thực phẩm làm hoàn toàn từ đậu nành không chứa đủ lượng isoflavone gây nguy hiểm. Trong khi đó, các thực phẩm bổ sung đậu nành thường chứa isoflavone nhiều hơn, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở “phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có vấn đề về tuyến giáp” - theo một số nghiên cứu.

Nhìn chung, phytoestrogen từ thực phẩm không làm tăng nguy cơ ung thư vú, trái lại có thể bảo vệ phụ nữ châu Á khỏi bệnh ung thư vú. Dẫn một nghiên cứu ở Singapore tiến hành trên 35.000 phụ nữ, Tiến sĩ Chuwa nói rằng tiêu thụ 10mg isoflavone mỗi ngày giúp giảm 18% nguy cơ ung thư vú. Dù vậy, bà cũng khuyến cáo không được ăn nhiều mà chỉ nên dùng 1 đến 2 phần/ngày, mỗi phần tương ứng một chén tàu hủ, một ly sữa đậu nành, 28g đậu nành hạt, nửa chén đậu nành hoặc đậu nành lông nấu chín.

►Stress trong công việc

Tiến sĩ Raymond Ng cảnh báo stress có thể dẫn đến những thói quen xấu như hút thuốc, uống nhiều rượu và ăn uống kém - tất cả đều làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng vì căng thẳng là một yếu tố rủi ro có thể kiểm soát, bạn cần giải quyết nó càng sớm càng tốt. Stress lâu dài hoặc mãn tính làm hệ miễn dịch suy yếu và giảm khả năng phòng chống ung thư, kể cả ung thư vú.l

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết