23/08/2009 - 20:59

Chung quanh việc cắt 2/3 diện tích Bến xe khách Cần Thơ để làm Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới:

Lợi ích chung bị bỏ quên !

Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe “nuốt” hết 20.000m2 trong tổng số 31.000m2 của Bến xe 91B - một kiểu đặt lợi ích cục bộ lên trên lợi ích chung của cộng đồng.

Đầu tháng 8-2009, Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ hoàn tất các hạng mục của Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Nhưng điều gây ngạc nhiên là trung tâm lại nằm ngay trong khuôn viên Bến xe khách Cần Thơ (Bến xe 91B) và chiếm đến 20.000m2 trong tổng số 31.000m2 đất của bến xe này. Dư luận cho rằng, việc làm này đã phá vỡ quy hoạch chung, bởi hiện nay Bến xe mới ở đường Hùng Vương đã xuống cấp, chật hẹp, quá tải và theo lộ trình sẽ phải chuyển hết vào hoạt động tại Bến xe 91B. Vì sao như vậy ?

Bến không còn chỗ cho... xe!

Cách đây hơn 14 năm, Cần Thơ chỉ có bến xe liên tỉnh duy nhất ở đường Hùng Vương. Do nhu cầu phát triển của vận tải hành khách, Bến xe mới đường Hùng Vương bắt đầu xuống cấp, quá tải. Thế nên, tháng 3-1995, công trình Bến xe khách Cần Thơ (Bến xe 91B) được khởi công xây dựng với quy mô 3,5 ha, tổng vốn đầu tư gần 15 tỉ đồng. Đến cuối năm 2002, công trình hoàn thành và tháng 1-2003, Bến xe 91B chính thức được bàn giao về cho Xí nghiệp Bến xe tàu Cần Thơ (nay là Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ) quản lý và khai thác song song với Bến xe mới đường Hùng Vương. Hiện nay, hai bến xe khách nói trên khai thác đến 50 tuyến vận tải hành khách (các tỉnh phía Bắc, miền Trung, TPHCM, Đông Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL) với trung bình 600 xe xuất bến/ngày. Trong đó, Bến xe 91B hiện có 13 doanh nghiệp vận tải vào bán vé, với 350 xe xuất bến/ngày. Còn bến xe mới đường Hùng Vương có 250 xe xuất bến/ngày. Số lượng hành khách qua lại hai bến mỗi ngày khoảng trên 10.000 người.

Hiện nay, Bến xe mới đường Hùng Vương (diện tích chỉ còn dưới 10.000m2) đã xuống cấp, tình trạng chật chội, lộn xộn, ô nhiễm là “chuyện thường ngày”. Sáng 15-8, khi có mặt ở Bến xe mới đường Hùng Vương, chúng tôi chứng kiến cảnh chật ních những xe là xe. Cổng ra bề ngang chỉ có 5 mét mà chen chúc 6-7 xe nằm xếp hàng đôi chờ xuất bến. Một xe vừa ra, ngay tức khắc có xe khác thế chỗ... hành khách chen chúc... Bến xe này chỉ có 1 cổng ra, còn đường vào bến thì tận dụng đường Phan Đăng Lưu nằm cặp hông bến xe để làm đường vào bến, vừa chật chội, vừa bị người dân buôn bán lấn chiếm tới sát lòng đường,... Còn xe xuất bến vừa ra khỏi cổng là gặp trở ngại do dòng xe cộ đông đúc ở ngay vòng xoay ngã tư, thường xuyên bị ùn tắc giao thông cục bộ... Ông N.Đ.H (nhà ở gần Bến xe Hùng Vương), cho biết: “Ngay cửa ngõ ra vào thành phố trực thuộc Trung ương, lại vừa được công nhận là đô thị loại I mà còn tồn tại một bến xe khách xuống cấp, chật chội, mất vệ sinh, luôn xông mùi xú uế, rồi còn cảnh lôi kéo giành khách, nói năng văng tục mất văn hóa... thật khó chịu, không thể chấp nhận. Người dân địa phương như tôi còn không chịu nổi, huống hồ du khách”. Còn anh N.V.Th (tài xế của một hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Cần Thơ - TPHCM), ngao ngán: “Khách mới xuống taxi, chưa kịp lấy hành lý là cò xe, lơ xe đã xúm vào chèo kéo, đưa đẩy để bắt khách. Trong bến thì chật chội, nhiều bữa kín chỗ, xe phải chờ sát giờ mới vào được bến để lên khách...”.

Bến xe mới đường Hùng Vương đã quá tải, xuống cấp, điều này ai cũng thấy. Thế nên lộ trình mà TP Cần Thơ dự tính đến trước năm 2015, sẽ di dời toàn bộ các hoạt động vận chuyển hành khách của Bến xe mới ở đường Hùng Vương về Bến xe 91B rộng rãi. Thế nhưng, gần nửa tháng nay, mọi người khi có dịp qua lại Bến xe 91B khá bất ngờ khi diện tích dành cho hoạt động bến xe khách chỉ còn lại 1/3. Phần lớn diện tích của bến xe (20.000 m2) đã được Công ty cổ phần Bến xe tàu phà (CPBXTP) Cần Thơ đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tào và sát hạch lái xe cơ giới (loại 2 - được sát hạch cấp giấy phép lái xe từ hạng A đến hạng C).

Phá vỡ quy hoạch

Bến xe mới đường Hùng Vương giờ đã quá tải, nhếch nhác và mất vệ sinh.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Cần Thơ đến năm 2025 (Quyết định số 1809/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ ngày 23-7-2008 đã phê duyệt), Bến xe mới đường Hùng Vương trước năm 2015 sẽ được chỉnh trang thành bến xe buýt trung tâm và sau năm 2015, sẽ nghiên cứu để xây dựng bến xe buýt kết hợp với bãi đỗ xe ngầm và tầng phục vụ khu vực trung tâm thành phố. Còn Bến xe 91B sẽ đóng vai trò chủ yếu là bến xe liên tỉnh của thành phố. Sau này, khi Bến xe Cái Răng quy mô 15-20ha được xây dựng và đưa vào sử dụng thì Bến xe 91B sẽ trở thành bến xe liên tỉnh phụ (phục vụ một số tuyến ngắn) kết hợp bãi đậu xe tải, bãi đậu xe các loại phục vụ khu vực trung tâm TP Cần Thơ. Và Bến xe 91B được xác định tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo dưỡng - duy tu- sửa chữa thường xuyên. Cũng theo quy hoạch, Bến xe Cái Răng (vị trí gần giao lộ giữa quốc lộ 1A và đường dẫn vào cầu Cần Thơ) với quy mô bến xe loại I (15-20 ha), hoàn thành trong giai đoạn 2015 - 2025, với số vốn dự kiến đầu tư giai đoạn I vào khoảng 100 tỉ đồng là bến xe liên tỉnh của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, đến nay, Bến xe Cái Răng chỉ là chủ trương và quy hoạch tầm xa. Mọi thủ tục và quy trình đầu tư bến xe này chưa có gì rõ ràng...

Vấn đề bức thiết nhất hiện nay là giải quyết tình trạng quá tải của Bến xe mới ở đường Hùng Vương. Còn nhu cầu về đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ hiện chưa tới mức quá tải và bức bách, bởi tại TP Cần Thơ hiện có Trường dạy nghề số 9 -Quân khu 9, Trường THGTVT Miền Nam, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ GTVT... Mới đây, vào ngày 16-2-2009, Sở GTVT Cần Thơ cũng đã khánh thành Trung tâm Sát hạch lái xe Tây Đô (loại 1) với tổng đầu tư gần 40 tỉ đồng. Các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang hiện đã có trung tâm sát hạch lái xe các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C. Chưa hết, ngay tại TP Cần Thơ, năm 2008, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho Công ty cổ phần XD-TM Chiến Thắng xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe (loại 2) tại Khu đô thị Nam Cần Thơ và theo kế hoạch, Công ty Chiến Thắng sẽ hoàn tất dự án này trong giai đoạn 2009 - 2010.

Vì sao như vậy ?

Về chuyện Bến xe 91B bị cắt phần lớn diện tích để sử dụng vào mục đích khác, bà Trần Thị Kim Một, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, nói: “Tôi rất bất ngờ trước việc xây dựng Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ngay trong Bến xe 91B với diện tích chiếm gần hết bến xe này”. Cũng theo bà Trần Thị Kim Một, đành rằng Công ty CPBXTP Cần Thơ được cấp phép đào tạo- sát hạch lái xe cơ giới và việc công ty mở rộng kinh doanh theo ngành nghề đã được cấp phép là đúng chức năng của công ty. Nhưng việc được phép hoạt động đào tạo -sát hạch, với việc xây dựng trung tâm đào tạo và sát hạch ngay trong bến xe là hai chuyện khác nhau. Bởi trên thực tế hiện nay nhu cầu về bến xe khách là rất bức thiết, đặc biệt sự quá tải, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường tại Bến xe mới ở Hùng Vương đã tồn tại dai dẳng nhiều năm chưa giải quyết được. Việc di dời bến xe này vào Bến xe 91B là điều cần thiết. “Ở kỳ họp HĐND tới, tôi sẽ chất vấn về vấn đề này để làm rõ trách nhiệm tham mưu của lãnh đạo các Sở, ngành trong việc cho phép xây dựng trung tâm đào tạo - sát hạch trên phần diện tích của Bến xe 91B, đồng thời yêu cầu làm rõ về việc chuyển đổi công năng hoạt động của bến xe này” - bà Trần Thị Kim Một nhấn mạnh.

Về trách nhiệm tham mưu của các Sở, ngành, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “UBND thành phố đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường khi đề xuất chưa tới nơi tới chốn, chưa tròn trách nhiệm khi xem xét vị trí đặt Trung tâm ở mặt bằng bến xe, đã thiếu cân nhắc khi cho rằng phù hợp và trong quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến việc chuyển đổi công năng phần lớn diện tích đất của bến xe”.

Về vấn đề chuyển 2/3 diện tích đất Bến xe 91B để xây dựng Trung tâm Đào tào và sát hạch lái xe cơ giới, ông Lê Hoàng Khởi, Phó Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Sở GTVT Cần Thơ, cho rằng: “Nguyên nhân mà việc Bến xe mới ở đường Hùng Vương chưa được di dời vào Bến xe 91B như quy hoạch ban đầu, do đường Nguyễn Văn Cừ hiện chưa được mở rộng giai đoạn II, cầu Nhị Kiều trên QL1A chưa được nâng cấp; QL91B chưa hoàn thành và QL91 đang trong giai đoạn đầu tư nâng cấp. Mọi đường đến Bến xe 91B đều khó khăn, ách tắc, nhiều đoạn đường quá hẹp. Trong khi đó diện tích đất bến xe rộng, để đất trống lãng phí nên phía công ty xin chủ trương xây dựng Trung tâm sát hạch và đào tạo lái xe”. Tuy nhiên, đâu là thực chất căn cứ để cấp thẩm quyền ra quyết định? Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Trong vấn đề này, các sở ngành đã thẩm tra, tham mưu để UBND thành phố chấp nhận việc đầu tư Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới tại Bến xe 91B. Nhưng khi phía Công ty CPBXTP Cần Thơ triển khai xây dựng và trên thực tế cho thấy trung tâm này đã lấn diện tích bến xe chỉ còn lại khoảng 1/3, thành phố đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra tình hình sử dụng đất tại đây. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu Công ty CPBXTP Cần Thơ phải sắp xếp, đảm bảo mọi hoạt động của bến xe, không để bị ảnh hưởng”. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, làm như vậy là đốt giai đoạn. Đáng lý phải đầu tư xây dựng xong Bến xe Cái Răng và khi bến xe này đi vào hoạt động thì mới chuyển đổi mục đích, công năng hoạt động của Bến xe 91B. Đây là một việc làm thiếu cân nhắc lợi ích của đa số, đặt giới thẩm quyền trước chuyện đã rồi !

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe “nuốt” hết 20.000m2 trong tổng số 31.000m2 của Bến xe 91B - một kiểu đặt lợi ích

Chia sẻ bài viết