27/12/2019 - 19:47

Liệu Saudi Arabia có thể “tự lực cánh sinh”? 

Trước hoài nghi ngày càng tăng về cam kết của Mỹ tại Vùng Vịnh, giới phân tích cho biết Saudi Arabia đang thay đổi cách tiếp cận khu vực theo hướng nghiêng về giải pháp chính trị và hòa bình hơn là sử dụng vũ lực.

Tổng thống Trump (trái) và Quốc vương Salman. Ảnh: WSJ

Tổng thống Trump (trái) và Quốc vương Salman. Ảnh: WSJ

Là nước dẫn đầu liên minh Arab chống lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen, nhưng Riyadh gần đây chọn cách đàm phán với phiến quân nhằm tìm kiếm giải pháp kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 5 năm qua. Trong nỗ lực cải thiện bầu không khí căng thẳng giữa các nước Vùng Vịnh, Quốc vương Saudi Arabia Salman đầu tháng này cũng chính thức mời Quốc vương Qatar Hamad Al-Thani tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Riyadh. Đáng chú ý hơn, sau nhiều năm đối đầu và cạnh tranh ảnh hưởng, Saudi Arabia bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán với Iran nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Theo các nhà phân tích, Riyadh đang lặng lẽ thay đổi cách tiếp cận trong khu vực sau hàng thập kỷ dựa vào đồng minh quân sự Mỹ. Liên minh Mỹ - Saudi Arabia được xây dựng dựa trên nguyên tắc “dầu hỏa đổi an ninh” khi hiệp ước Quincy năm 1945 cho phép Washington độc quyền tiếp cận nguồn “vàng đen”, đổi lại là phải bảo đảm an ninh cho đồng minh Trung Đông. Quan hệ chặt chẽ với cường quốc số 1 thế giới cùng nhiều tỉ USD chi cho vũ khí Mỹ khiến Saudi Arabia trong hàng chục năm qua luôn tin rằng họ gần như “bất khả xâm phạm”.

Tuy nhiên, quan hệ  song phương ngày càng xáo trộn khi vai trò của Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen và vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối năm ngoái trở thành nguyên nhân gây chia rẽ chính trường Mỹ. Trong khi lửa giận lan rộng tại quốc hội và nhiều cơ quan chính phủ, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Saudi Arabia vẫn là đồng minh quan trọng cũng như đối tác mua vũ khí đáng tin cậy. Nhưng dưới áp lực bầu cử hiện nay, chuyên gia về Trung Đông Emile Hokayem tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng Riyadh có thể đã nhận ra ông Trump khó mà “bảo vệ” họ trong thời gian tới cũng như rủi ro nếu Mỹ xuất hiện vị tổng thống mới có cách tiếp cận hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là thời điểm các cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hồi tháng 9. Chuyên gia David Roberts tại Đại học King’s College London (Anh) ví đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử Vùng Vịnh khi phản ứng bị cho là “hời hợt” của chính quyền Trump giáng đòn mạnh vào cam kết của Washington đối với khu vực theo học thuyết Carter (xác định an ninh Vùng Vịnh là lợi ích sống còn của Mỹ và mối đe dọa đối với khu vực từ phía các cường quốc bên ngoài sẽ bị đẩy lùi bằng mọi cách, bao gồm viện đến sức mạnh quân sự). Sự “bối rối” của Washington đồng thời “cảnh tỉnh” Riyadh hãy tìm cách bớt phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của đồng minh.

Ngoài e dè cam kết của Mỹ, quan hệ giữa Saudi Arabia với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng rạn nứt khi Abu Dhabi bắt đầu rút khỏi Yemen, để lại cho Riyadh gánh nặng cuộc chiến mà ít ai tin họ có thể giành chiến thắng. UAE sau đó còn đàm phán an ninh hàng hải với đối thủ khu vực của Saudi Arabia là Iran trong nỗ lực làm dịu căng thẳng ở Vịnh Persic. Giữa vô vàn bất ổn, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, Rob Malley cho rằng thay đổi cách tiếp cận là điều Saudi Arabia phải làm để củng cố uy tín và vị thế.

Hiện tại, đàm phán giữa Riyadh với lực lượng Houthi tuy chưa mang lại thỏa thuận chính thức nhưng một phần giảm áp lực khu vực. Hai bên đã phóng thích hơn 100 tù nhân, hạn chế 80% số vụ tấn công xuyên biên giới. Cơ hội hòa giải Vùng Vịnh cũng đến gần khi đàm phán giữa Saudi Arabia và đồng minh với Qatar phần nào hàn gắn chia rẽ nội khối. Nhưng tâm điểm trong chủ trương đối thoại của nước này vẫn là quan hệ với Iran. Tuy chưa rõ tiến trình đàm phán sẽ tiến bộ đến mức nào, nhưng động thái này được dự báo “chọc giận” chính quyền Trump vốn đang thực thi chính sách cô lập và trừng phạt Tehran.

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết