16/12/2018 - 10:22

Liệu Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác tại Trung Đông? 

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, đặc phái viên của Điện Kremlin tại Trung Đông và Bắc Phi, mới đây đã có chuyến thăm tới Bắc Kinh để hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành và trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trần Hiểu Đông về những vấn đề Trung Đông, qua đó thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước tại khu vực giàu dầu mỏ nhưng đầy bất ổn này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp hôm 30-11. Ảnh: Reuters

Trọng tâm của các cuộc thảo luận là về tình hình hiện tại ở Syria, Iraq, Yemen, Libya và vùng Vịnh, cũng như mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Sau các cuộc hội đàm, hai bên đã tuyên bố rằng Mát-xcơ-va và Bắc Kinh sẽ chung tay giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông thông qua các biện pháp chính trị - ngoại giao dựa trên “các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Đáng chú ý là, các nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc đều đồng ý duy trì “đối thoại song phương năng động về các vấn đề Trung Đông sao cho đôi bên cùng có lợi”.

Trong khi chiến dịch của Nga tại Syria đã giúp biến Mát-xcơ-va trở thành một trong những “sứ giả hòa bình” hàng đầu tại Trung Đông, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực vào năm 2016, qua mặt cả Mỹ và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Hiện tại, nhiều quốc gia Trung Đông tiếp tục ký các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc nhằm triển khai các dự án thuộc khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường - BRI”. Các nước khác trong khu vực cũng đang đẩy mạnh tốc độ liên kết chiến lược phát triển với BRI. Không những vậy, vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế của khu vực cũng tăng lên đáng kể. Trong khi Trung Đông cung cấp nguồn dầu khí cho Trung Quốc, Bắc Kinh gửi hàng hóa và nhiều sản phẩm khác tới khu vực.

Cả Nga và Trung Quốc đều muốn đến Trung Đông bởi cùng mục tiêu, đó là an ninh và cơ hội. Đối với Nga, “lực hút” ban đầu là an ninh nhưng giờ đây việc “hốt bạc” đóng vai trò không kém phần quan trọng. Còn đối với Trung Quốc, cơ hội đầu tư, sự thành công của BRI cũng như nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng là điều khiến Trung Đông trở nên quan trọng đối với Trung Quốc. Song, tất cả những điều này đều bị đe dọa nghiêm trọng trừ phi khu vực này được an toàn. Do đó, phát biểu tại cuộc họp với đại diện của 21 quốc gia A-rập tại Bắc Kinh hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sự phát triển chính là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề an ninh ở Trung Đông, qua đó nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết cho các quốc gia Trung Đông vay 20 tỉ USD và hỗ trợ tài chính khoảng 106 triệu USD như là một phần của mô hình “dầu và khí đốt” nhằm giúp hồi sinh tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Trái lại, Nga đến với Trung Đông bằng phương pháp ngoại giao đa phương năng động pha trộn với sự phô trương sức mạnh và lực lượng.

Hiện Nga đang khoác trên mình hình ảnh một nhà đảm bảo an ninh mới tại Trung Đông, trong khi Trung Quốc là nhà đầu tư kinh tế lớn trong khu vực. Tuy chính sách của Nga và Trung Quốc không bổ trợ cho nhau nhưng cả hai đều muốn tìm kiếm mối quan hệ ổn định với các cường quốc Trung Đông. Do đó, giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể “bắt tay” hợp tác với Mát-xcơ-va tại đây.

Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chính sách ngoại giao của Trung Quốc dựa trên nguyên tắc "thao quang dưỡng hối",  tức "che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối - giấu mình chờ thời", theo đó Bắc Kinh không muốn có bất cứ sự can thiệp nào vào các cuộc xung đột kéo dài và phức tạp tại Trung Đông. Nga và Trung Quốc cũng không bao giờ sử dụng quyền con người như là công cụ biện hộ trong chính sách đối ngoại, điều khiến các đối tác Trung Đông hài lòng. Tuy nhiên, chính sách không can thiệp của Nga và Trung Quốc tại Trung Đông đã dẫn đến những lợi ích của hai nước bị tổn hại, bao gồm mất vốn đầu tư tại khu vực. Chẳng hạn, Nga-Trung đã bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Libya và dẫn tới sự can thiệp quân sự của phương Tây lật đổ chế độ Muammar Gaddafi. Do đó, khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama giảm vai trò của Mỹ tại Trung Đông khi rút binh sĩ khỏi Iraq năm 2011, Nga và Trung Quốc tăng cường can dự vào khu vực chiến lược này. Và khi Nga và Mỹ hiện diện quân sự tại Syria thì Trung Quốc cũng bắt đầu có lập trường uyển chuyển hơn khi đứng về phía Nga trong 6/12 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Syria mà Nga phủ quyết.

TRÍ VĂN (Theo Al-Monitor)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trung Đông