05/01/2020 - 07:29

Lịch sử đối đầu giữa Mỹ và Iran 

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã bắt đầu leo thang trở lại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, mà “cao trào” nhất là vụ đại sứ quán Mỹ tại Iraq bị tấn công và tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran Qassem Soleimani bị thủ tiêu tại sân bay quốc tế Baghdad.

Lịch sử đối đầu giữa Mỹ và Iran liên tục diễn ra như vòng luẩn quẩn, nhưng việc nhìn lại một số thời điểm then chốt có thể giúp hiểu rõ hơn vì sao hai nước đang tiếp tục chạm trán đến mức nguy hiểm như hiện  nay.

Sinh viên Iran tấn công đại sứ quán Mỹ tại Tehran năm 1979. Ảnh: Public domain

Cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân chủ

Mối quan hệ thù địch giữa Washington và Tehran thường được cho bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tại Iran năm 1979, nhưng sự kiện này theo nhiều cách khác nhau có tác nhân từ cuộc đảo chính do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đạo diễn trước đó vài thập niên.

Trong tài liệu được giải mật lần đầu tiên năm 2013, CIA đã công khai thừa nhận sự dính líu của mình trong cuộc đảo chính năm 1953 lật đổ vị thủ tướng được bầu dân chủ Mohammad Mossadegh của Iran. Ông Mossadegh là người đưa ra nhiều chính sách cải cách và rất được nhân dân Iran yêu mến. Tuy nhiên, quyết định quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của ông hồi năm 1951 bị coi là bước đi quá đà đối với người Anh - đối tượng kiểm soát dầu mỏ của Iran trong nhiều năm thông qua Tập đoàn dầu mỏ Anglo-Iranian (nay là British Petroleum, viết tắt là BP). Đây là lý do khiến chính quyền Anh đã tranh thủ Chính phủ Mỹ trong âm mưu lật đổ chế độ Mossadegh và đưa quốc vương thân Mỹ Shah Mohammad Reza Pahlavi  lên thay thế. Với đa số người Iran, cuộc đảo chính này của Mỹ là nguồn cơn đối đầu giữa hai nước về sau.

Cách mạng Hồi giáo và cuộc khủng hoảng con tin

Năm 1979, hàng triệu người dân Iran nổi dậy chống lại Vua Ba Tư (Shah) Mohammad Reza Pahlavi, người bị đa số cáo buộc tham nhũng, độc tài và bất hợp pháp. Vị vua Ba Tư bị phế truất và sự kiện này được coi là cuộc cách mạng Hồi giáo 1979. Sau đó, Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sống lưu vong trong nhiều năm dưới thời Vua Ba Tư, trở về Iran tháng 2-1979 và tuyên bố Iran là Cộng hòa Hồi giáo. Điều này có nghĩa Iran đã chuyển từ nhà nước quân chủ bù nhìn thân phương Tây sang chế độ thần quyền (chế độ cai trị của tầng lớp tăng lữ, trong đó Nhà nước được tin tưởng là luật lệ của Chúa trời) chống phương Tây. 

Giữa cao trào của cuộc cách mạng, tháng 11-1979, sinh viên Iran đột kích và chiếm giữ đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ 63 con tin trong vòng 444 ngày. Sự giận dữ của sinh viên Iran một phần xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho phép cựu Vua Ba Tư sang Mỹ trị bệnh ung thư. Chiến dịch bí mật giải cứu con tin của Mỹ cũng thất bại.

Cuộc khủng hoảng con tin được coi là hệ quả biểu tượng của chính sách can thiệp kéo dài của Mỹ vào vấn đề nội bộ của Iran. Các con tin được phóng thích vào ngày 21-1-1981, đúng vào ngày Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức. Cuộc khủng hoảng con tin được xem là lý do chính khiến Tổng thống Carter thất bại trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai. Ngoài việc đoạn giao năm 1980, Mỹ bắt đầu cấm vận Iran.

Chiến tranh Iran-Iraq và những vụ tấn công đẫm máu

Dù Mỹ phát động chiến tranh lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003 nhưng nhà độc tài này từng được Washington hậu thuẫn trong cuộc chiến khốc liệt với Iran  giai đoạn 1980-1988.

Tài liệu được giải mật năm 2013 cho thấy vào những năm cuối của cuộc chiến, tình báo Mỹ đã chỉ điểm vị trí của binh sĩ Iran đóng tại Iraq và điều này giúp Hussein thả hơi ngạt, thậm chí sử dụng vũ khí hóa học tấn công binh sĩ Iran. Trong khi đó, năm 1983, một vụ đánh bom tự sát nhằm vào doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ tại Thủ đô Beirut của Lebanon làm 241 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Phong trào Hồi giáo Hezbollah được Iran ủng hộ được cho gây ra vụ đánh bom này. Từ đây, Mỹ liệt Iran vào diện bảo trợ khủng bố và gia tăng trừng phạt. 5 năm sau (1988), một máy bay dân dụng chở khách của Iran với 290 người trên đó bị tàu tuần dương USS Vincennes của Mỹ bắn hạ.

“Trục ma quỷ” và thỏa thuận hạt nhân bị “xé”

   Quan hệ Mỹ-Iran đã có tiềm năng trở lại ấm áp trong ngắn ngủi hồi cuối những năm 1990 nhưng nhanh chóng trở lại tồi tệ, khi Tổng thống George W. Bush đọc thông điệp liên bang năm 2002, trong đó liệt Iran vào cái gọi là “trục ma quỷ” cùng với Iraq và Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, việc ông Mahmoud Ahmadinejad, người theo đường lối cứng rắn lên làm tổng thống Iran vào năm 2005, cho phép tái khởi động các hoạt động làm giàu uranium và khiến chính quyền Bush gia tăng các biện pháp trừng phạt, cấm vận Tehran.

Đến tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “xé” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Thỏa thuận này đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama. Đến tháng 4-2019, chính quyền Trump đưa Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách đen các tổ chức khủng bố. Iran dọa: “Mọi binh sĩ Mỹ hiện diện tại Trung Đông đều được xem là quân khủng bố”. Vào tháng 5-2019, Mỹ cấm vận toàn diện dầu khí Iran. Lệnh cấm này khiến một tàu dầu của Iran trên lãnh hải quốc tế bị bắt giữ và Tehran cũng đã đáp trả tương tự tại Eo biển Hormuz. Những tháng sau đó là hàng loạt vụ tấn công tàu dầu và nhà máy lọc dầu được cho do Iran gây ra.

Giọt nước tràn ly và miệng hố chiến tranh

Mỹ và Iran thậm chí đã bắn hạ máy bay không người lái của nhau trong lúc diễn ra căng thẳng trên. Kể từ tháng 5-2019, Mỹ đã triển khai khoảng 14.000 binh sĩ bổ sung tới Trung Đông.

“Giọt nước” làm tràn ly căng thẳng khi quân đội Mỹ ngày 29-12 tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm vũ trang Kata’ib Hezbollah (KH) gồm chủ yếu là các tay súng người Hồi giáo dòng Shiite thân Iran, thành viên lực lượng bán quân sự Hashd al-Shaabi, vì cho rằng KH đã gây ra loạt vụ tấn công rocket vào một căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq trước đó. Đỉnh điểm là vụ người biểu tình Iraq bao vây và tấn công đại sứ quán Mỹ tại Baghdad ngày 31-12,  điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho là do Iran đứng đằng sau. Và sáng 3-1, máy bay không người lái của quân đội Mỹ đã bắn tên lửa nhằm vào một đoàn xe ở sân bay quốc tế Baghdad, trong đó có thiếu tướng 63 tuổi Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Mỹ cũng đang triển khai bổ sung tới Trung Đông gần 3.000 binh sĩ từ Sư đoàn không vận 82 như một biện pháp đề phòng trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với các lực lượng Mỹ tại khu vực. Các binh sĩ tăng viện sẽ gia nhập lực lượng gồm 750 người đã vừa được triển khai tới Kuwait.

Trong khi đó, quân đội Iran đã triển khai các máy bay chiến đấu F-14 tới các khu vực biên giới. Kênh truyền hình quốc gia Iran đưa tin, các máy bay chiến đấu F-14 của Iran tham gia huấn luyện ở vùng trời phía Tây nước này đã được đặt trong tình trạng báo động và tiến hành các hoạt động tuần tra. Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran  cam kết sẽ đáp trả “đúng chỗ và đúng thời điểm”, đồng thời cho rằng việc Mỹ sát hại tướng Soleimani là sai lầm lớn nhất của Washington tại Tây Á với những hậu quả không dễ dàng tránh khỏi.

Tổng thống Trump không muốn chiến tranh với Iran

Trong bài phát biểu trước báo giới và phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-1 cho biết tướng Qassem Soleimani - tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, đã bị “tiêu diệt” khi đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ.

Tổng thống Trump nói: “Soleimani đang âm mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao và nhân viên quân sự Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiêu diệt được mối đe dọa này kịp thời”. Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Trump cho biết ông không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh với Iran. Ông khẳng định: “Chúng tôi thực hiện hành động đó không để bắt đầu một cuộc chiến. Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ tại Iran”.

Trong khi đó, đài truyền hình Iraq ngày 4-1 đưa tin Mỹ vừa tiến hành một vụ không kích mới nhằm vào một đoàn xe ở phía Bắc của Thủ đô Baghdad. Một nguồn tin quân đội Iraq cho biết vụ không kích mới nhất của Mỹ nhằm vào một lực lượng dân quân dòng Shiite được Iran ủng hộ. Vụ việc này làm 6 người thiệt mạng và 3 người bị thương nặng. Tại hiện trường, có 2 trong 3 chiếc xe bốc cháy.

TTXVN

ĐỨC TRUNG

 

Chia sẻ bài viết