27/08/2024 - 21:39

Lebanon bất an trước nguy cơ chiến tranh 

Cuối tuần rồi, cuộc đấu súng dữ dội giữa quân đội Israel và phong trào Hezbollah tại Lebanon làm dấy lên lo ngại chiến tranh toàn diện ở khu vực. Trong đó, Beirut với nền kinh tế và cơ sở hạ tầng bị tàn phá đứng trước câu hỏi có đủ khả năng tham gia cuộc chiến với Tel Aviv hay không?

Khói bốc lên từ khu vực giao tranh xuyên biên giới giữa Hezbollah và Israel. Ảnh: Reuters

Hồi tháng trước, đợt không kích của Israel nhắm vào ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut đã tiêu diệt một chỉ huy cấp cao Hezbollah. Trong diễn biến mới, Israel tiến hành không kích rầm rộ vào khu vực miền Nam Lebanon nhằm đáp trả vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Hezbollah trên lãnh thổ nước này.

Hiện giới quan chức Lebanon và các nhà ngoại giao quốc tế kỳ vọng thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza sẽ mang lại bình yên cho miền Nam. Trước đó, Hezbollah tuyên bố sẽ dừng tấn công dọc biên giới nếu có lệnh ngừng bắn ở Gaza. Vấn đề là các cuộc đàm phán vẫn đang bế tắc, buộc Chính phủ Lebanon và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chuẩn bị kế hoạch ứng phó trong trường hợp lặp lại kịch bản như năm 2006, khi đó xung đột giữa Israel và Hezbollah leo thang thành cuộc chiến tàn khốc kéo dài một tháng khiến 250.000 người phải di dời. Nhiều người lo ngại cuộc chiến mới nếu bùng phát sẽ kéo dài và không thể kiểm soát, khiến ít nhất 1 triệu người phải lánh nạn. Kế hoạch do LHQ soạn thảo dự kiến tiêu tốn khoảng 50 triệu USD/tháng cho kịch bản thứ nhất và lên tới 100 triệu USD nếu chiến tranh toàn diện nổ ra.

Nan giải về kinh tế

Tuy có thể nhận tài trợ khẩn cấp từ các chủ nợ và tổ chức viện trợ nhân đạo, Chính phủ Lebanon đồng thời đang vật lộn tìm kinh phí khoảng 24 triệu USD/tháng để ổn định 100.000 người phải di dời và khoảng 60.000 người vẫn sống trong các khu vực xung đột. Ðây là nhiệm vụ khó khăn bởi các tổ chức dịch vụ công ở nước này chủ yếu đang dựa vào nhiều nhóm cứu trợ và nhà tài trợ quốc tế để duy trì hoạt động tối thiểu. Người dân Lebanon thì hiện phải nhận viện trợ thực phẩm và tài chính để
tồn tại.

Nhiều năm qua, tê liệt chính trị và khủng hoảng kinh tế sau hàng thập kỷ chi tiêu hoang phí cùng tham nhũng trong giới cầm quyền khiến Lebanon không trả được nợ nước ngoài. Hệ thống ngân hàng hầu như không hoạt động, mạng lưới điện thì chập chờn do nằm trong tay các chủ sở hữu tư nhân. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2019 khiến đồng tiền quốc gia này suy yếu hơn 90%, đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 tiếp tục tàn phá kinh tế Lebanon. Trong khi cơ sở hạ tầng tiếp tục suy yếu và điều kiện sống ngày càng tồi tệ, các ngân hàng và giới tinh hoa cầm quyền của Lebanon vẫn phản đối những biện pháp cải cách triệt để như điều kiện nhận gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hiện nay, ngành du lịch vốn được các quan chức trông cậy để tái thiết kinh tế cũng bị ảnh hưởng kể từ cuộc xung đột biên giới với Israel.

Không giống như năm 2006, Lebanon còn đang tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn Syria. Nói với hãng tin AP, Bộ trưởng Y tế Lebanon Firas Abiad cho biết hệ thống y tế trong nước không đủ khả năng để điều trị số nạn nhân tăng thêm trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện.

Khó khăn về mặt hậu cần

Năm 2006, Israel ném bom sân bay duy nhất của Lebanon và áp lệnh phong tỏa trên không và trên biển. Vụ việc làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng khi phá hỏng đường băng chính và san phẳng các khu dân cư với thiệt hại và tổn thất lên tới 3,1 tỉ USD. Các nhóm cứu trợ sau đó chủ yếu chuyển hàng tiếp tế bằng đường biển tới các cảng Lebanon. Nhưng sau vụ nổ năm 2020, các nhà quan sát lo ngại cảng Beirut vốn chưa được xây dựng lại hoàn toàn liệu sẽ đủ sức chứa trong trường hợp xảy ra chiến tranh lớn hơn hay không.

Trước đây, nhiều người dân Lebanon có thể chạy trốn sang Syria. Nhưng với cuộc nội chiến chưa chấm dứt ở nước láng giềng, không rõ lần vượt biên này sẽ như thế nào đối với dân thường cũng như các nhóm
cứu trợ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết