30/08/2023 - 06:16

Lấy sự học làm nền tảng 

ÐĂNG HUỲNH

Gia đình ông Hồ Quốc Dũng và bà Trần Thị Tư ngụ đường Trần Ngọc Quế, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, được biết đến như tấm gương về tinh thần hiếu học, xây dựng mái ấm hạnh phúc. Với các thành viên trong gia đình, nền tảng cho trái ngọt đó chính là “sự học”.

Vợ chồng ông Dũng, bà Tư và hai con trai vui vẻ bên nhau. Ảnh: NVCC

Họ tộc của ông Dũng và bà Tư đều có truyền thống hiếu học. Anh chị em ông Dũng nhiều người là bác sĩ chuyên khoa 2, thạc sĩ, cử nhân... Dòng họ Trần của bà Tư được biết đến là dòng họ khuyến học tiêu biểu của TP Cần Thơ. Anh trai bà là PGS.TS Trần Văn Hai, chuyên gia ngành Bảo vệ thực vật, chị bà là PGS.TS Trần Thị Ba, chuyên gia ngành Khoa học Cây trồng; em bà là Bác sĩ chuyên khoa 2, Thầy thuốc ưu tú Trần Thanh Liêm. Vợ chồng ông Dũng, bà Tư cũng có học vị thạc sĩ, từng có thời gian dài công tác, quản lý trong ngành Giáo dục và Ðào tạo.

Kể về truyền thống hiếu học của dòng họ, bà Tư nhớ lại: Cha mẹ bà làm nghề chụp ảnh ở Thạnh Xuân (Châu Thành A, Hậu Giang), nuôi các con ăn học. Cha mẹ bà luôn nhắc nhở các con: “Chỉ có con đường học vấn mới có hiểu biết và có ích cho xã hội” và “Ba mẹ có thể hy sinh tất cả cho các con, thậm chí bán nhà để có tiền cho các con ăn học”. Cha mẹ ông Dũng cũng vậy, dù khó khăn đến mấy cũng để các con được học hành đến nơi đến chốn.

Tiếp nối truyền thống ấy, vợ chồng ông Dũng có hai con trai là Hồ Nhật Quang và Hồ Nhật Minh, lúc nào cũng luôn tâm niệm “lấy sự học làm nền tảng”. Anh Hồ Nhật Quang là bác sĩ răng hàm mặt, hiện là chuyên gia đào tạo, giáo dục sức khỏe tinh thần. Anh Hồ Nhật Minh học đại học ở nhiều ngành như Bảo vệ thực vật, Kinh tế... và hiện làm việc trong lĩnh vực IT tại TP Hồ Chí Minh.

Nhắc về truyền thống hiếu học của dòng họ và gia đình, anh Hồ Nhật Quang kể, sau khi tốt nghiệp bác sĩ răng hàm mặt, anh ra trường và có việc làm ổn định. Nhưng rồi vì muốn thử sức và lập nghiệp ở lĩnh vực mới là đào tạo, huấn luyện thân - tâm - trí, trong đó đi sâu vào lĩnh vực tâm trí cười, anh đã mạnh dạn rẽ hướng. Ba mẹ anh lúc đầu có lo âu, nhưng sau rất ủng hộ anh vì thấy anh làm việc có ích, lại ứng dụng kiến thức được học vào cuộc sống. Với anh Minh cũng vậy, anh học qua nhiều ngành, từng đi học, làm việc ở nước ngoài, dù lựa chọn của anh thế nào thì ba mẹ anh vẫn luôn ủng hộ, đồng hành. “Biết anh em tôi chịu học, lấy việc học để ứng dụng vào cuộc sống thì ba mẹ tôi rất vui, sẵn sàng hỗ trợ. Chính điều đó làm nền tảng để anh em tôi tự tin lập thân, lập nghiệp”, anh Hồ Nhật Quang chia sẻ.

Với anh Quang và anh Minh, hình ảnh ba mẹ cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo, đứng trên bục giảng dạy học trò đã hằn sâu trong tâm trí. Ðó là niềm tự hào và cũng là động lực để họ phấn đấu. Ông Dũng thì nhớ lại, lúc anh Quang và anh Minh còn học phổ thông, bà Tư đăng ký học thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục để trau dồi kiến thức, 3 cha con ở nhà tự lo cho nhau, làm “hậu phương” để bà Tư an tâm đi học. Bà Tư học xong thì ông Dũng lại đi học thạc sĩ. Ông Dũng chia sẻ: “Vợ chồng chúng tôi nghĩ rằng, việc học tập ngoài nâng cao kiến thức còn là để làm gương cho hai con. Và điều đó đến nay thật đúng”.

Anh Minh đã lập gia đình và vừa có con trai đầu lòng, được 3 tháng tuổi. Vợ chồng ông Dũng từ Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh để phụ giúp con chăm cháu nội. Trong câu chuyện thường ngày, các thành viên trong gia đình vẫn hay bàn với nhau về chuyện học hành, kiến thức, làm nên sợi dây gắn kết tình thân chắc chắn. Anh Hồ Nhật Quang chia sẻ: “Càng ngẫm tôi lại càng biết ơn ba mẹ vì luôn dạy anh em tôi rằng: Học không bao giờ là lãng phí!”.

Chia sẻ bài viết