09/04/2019 - 21:44

Lao động tại nước giàu, dân nhập cư vẫn kham khổ 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong, nhiều lao động nhập cư tại Singapore vẫn có thể chịu cảnh thiếu ăn vì nhận lương thấp và lệ thuộc vào nền công nghiệp cung cấp thực phẩm cạnh tranh cao ở đảo quốc sư tử.

Công nhân nhập cư tại Singapore tranh thủ nghỉ ngơi sau giờ ăn trưa. Ảnh: Straits Times

Công nhân nhập cư tại Singapore tranh thủ nghỉ ngơi sau giờ ăn trưa. Ảnh: Straits Times

Chẳng hạn như trường hợp của Mominul Hassan (32 tuổi), một công nhân xây dựng người Bangladesh đến Singapore cách đây 8 năm. Do không có khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm và dinh dưỡng thích hợp, Hassan đã sụt 10kg. Mỗi lần gọi điện về nhà, anh thường tắt chức năng gọi video để vợ con không nhìn thấy thân hình gầy sọp của mình. “Nếu vợ tôi nhìn thấy, cô ấy sẽ lo lắng và muốn tôi về nhà. Tôi nhớ nhà nhưng cũng cần kiếm đủ tiền trước khi về”- Hassan giải thích.

Được biết, Singapore phụ thuộc vào một lượng lớn lao động nhập cư phổ thông từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar để cung cấp nhân lực cho khu vực xây dựng nội địa, được định giá gần 22,5 tỉ USD vào năm 2018. Nhưng tại đất nước không có mức lương tối thiểu này, một lao động nhập cư chỉ kiếm được 13-15 USD/ngày cho những việc tay chân kéo dài từ 10-12 tiếng/ngày. Hệ quả là hầu hết lao động đều không ngại làm thêm giờ để tăng thu nhập. Trong hoàn cảnh đó, các lao động nhập cư tìm đến các nhà cung cấp thực phẩm như một giải pháp không rườm rà và ít tốn kém để có được bữa ăn hằng ngày.

Về lý thuyết, nó có vẻ là giải pháp tốt. Khi chỉ cần chi 90-110 USD/tháng, họ nhận được 3 suất ăn giao thẳng tới khu nhà ở tập thể hoặc chỗ làm mỗi ngày. Nhưng trên thực tế, thức ăn được phục vụ có phẩm chất thấp, thiếu dinh dưỡng và đôi khi bị hôi thiu. Một nguyên nhân là do nhà cung cấp giao chung cả bữa sáng và bữa trưa khoảng 6 giờ, trong khi một ngày làm việc thông thường của công nhân bắt đầu sớm nhất lúc 7 giờ. Họ làm như vậy để giảm phí giao hàng.

Điều này vẫn tiếp diễn bất chấp việc cơ quan an toàn thực phẩm quốc gia Singapore đã yêu cầu các hãng thực phẩm phải cung cấp tem thời gian cho bữa ăn đóng gói sẵn, nhằm thể hiện thời gian “tiêu thụ” khuyến nghị - thường là 4 giờ sau khi chế biến. Do tiếp xúc với thời tiết nóng ẩm tại Singapore, thực phẩm thường nhanh hôi thiu khi để lâu bên ngoài.

Một nguyên nhân khác là do thiếu nơi giữ thực phẩm phù hợp gần khu nhà ở tập thể và nơi làm việc của công nhân, nên các hộp thức ăn được giao để ở bên ngoài. Việc thức ăn bị chó mèo hay chuột “xơi” trước là chuyện phổ biến. Vào mùa mưa, thức ăn có thể bị ngấm nước và không ăn được. Trong tình cảnh không thể dùng thực phẩm được giao đến, các công nhân thường nhịn ăn. Một số người chuyển sang uống nước tăng lực có chứa caffeine để tỉnh táo và loại bỏ cơn đói.

Đối với những lao động sống trong các khu nhà ở tập thể có trang bị đầy đủ tiện nghi nấu ăn, tình hình chỉ tốt hơn chút ít. Tuy họ có thể tự nấu ăn, song siêu thị ở khu nhà ở thường tính giá hàng hóa cao hơn. “Mỗi phút được nghỉ ngơi đều quan trọng, vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua hàng ở siêu thị trong khu nhà ở tập thể dù nó rất đắt” - R. Velmurugan, một lao động người Ấn Độ, giải thích.

Mặt khác do ngành cung cấp thực phẩm béo bở tại Singapore có tính cạnh tranh cao, các hãng cung cấp thực phẩm cũng có khó khăn riêng. Để giành giật tại thị trường có 1,5 triệu lao động nhập cư này, các doanh nghiệp phải giảm giá bán thức ăn - điều đồng nghĩa chất lượng cũng giảm theo. Một nhà cung cấp tiết lộ công ty ông phục vụ 3 suất ăn/ngày cho 4.000 công nhân với mức phí 105 USD/thán/người, tức chi phí mỗi bữa chỉ khoảng 1,2 USD.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết