23/09/2019 - 12:17

Làng hiếu học Giáo Bảy 

Tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, có một nơi được người dân địa phương gọi với cái tên thân thương “Xóm Huế” bởi có nhiều hộ dân di cư từ miền Trung vào lập nghiệp. Đây cũng là một trong những “vùng đất học” nổi tiếng của tỉnh -  Làng hiếu học Giáo Bảy.

Ông Ba Trong (bên phải), Năm Bằng quyết tâm lo cho con cái ăn học thành tài.

Gia đình ông Trương Thanh Bằng (Năm Bằng) là một trong những hộ dân có thành tích học hành đáng nể ở “Làng hiếu học Giáo Bảy”. Ông có 5 người con, ngoài người con gái thứ 3 bị tai nạn phải nghỉ học khi chưa xong cấp 2, thì 4 người còn lại đều học hành thành tài. Cha mẹ ông Năm Bằng gốc ở Quảng Nam. Năm 1961, gia đình ông về khai phá và sống tại vùng đệm rừng U Minh hạ. Từ thời còn chiến tranh, người dân nơi đây đã dựng lên những túp lều tranh để sắp nhỏ học chữ. Khi đó, ông Năm Bằng mới lên 10 nhưng vẫn nhớ như in sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Nhưng bao nhiêu lần địch dùng bom đạn cày xới thì bấy nhiêu lần “ngôi trường” bằng chính cây tràm, lá dừa nước dưới tán rừng U Minh hạ được dựng lại để... nuôi “con chữ”.

Đây cũng chính là động lực để sau này khi có gia đình, ông Năm Bằng quyết tâm chăm lo cho các con mình ăn học và đến nay các cháu của ông cũng được quan tâm, chăm lo việc học hành như vậy. “Vợ chồng tôi xác định học là con đường tốt nhất để phát triển nên quyết tâm lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Mừng là đến nay mấy đứa con cũng như tôi, quyết tâm lo chữ cho tụi nhỏ. Hai đứa cháu nội của tôi năm nay học lớp 10, đều học giỏi”- ông Năm Bằng chia sẻ.

Cùng về đào đắp lên kênh Giáo Bảy ngày nay với gia đình ông Năm Bằng còn có 55 hộ dân khác có gốc gác từ xứ Quảng. Họ mang chất siêng năng, cần cù vào khai phá, tôn tạo mảnh đất vốn được mệnh danh là “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lềnh tựa bánh canh” để rồi tạo nên “Xóm Huế” hiếu học nổi tiếng như hôm nay.

Từ thuở ban đầu khai phá vùng đất mới đầy khó khăn rồi đến khi đất nước thống nhất, tuy cuộc sống nơi đây vẫn còn cơ cực nhưng việc học không vì thế mà bị xao nhãng. Ông Nguyễn Thanh Trong (Ba Trong) kể, ngày đó bà con làm lúa 1 vụ. Phát, cào, cấy nửa năm trời nhưng trúng mùa thì 1 công mới được 10 giạ lúa. Phơi khô lúa là vợ chồng ông Ba Trong tính toán để ra hai vị trí. Một chỗ là lúa để gia đình ăn tới mùa sau, một chỗ để lo cho 6 đứa con ăn học. Ông cũng đặt ra nguyên tắc tiêu xài trong gia đình: không được dùng từ nguồn bán lúa vì đó là kinh phí đã được duyệt để “nuôi chữ”.

Vậy là vợ chồng ông hết giăng câu, lưới lại làm thuê, làm mướn bươn chải đủ nghề kiếm sống và lo cho các con ăn học. Cũng từ quyết tâm đó, gia đình ông có 4 người con đang là những cán bộ ở địa phương. “Chính cha tôi là người nắm cơm, bó củi lo cho tôi học cái chữ từ thời còn bom đạn. Ông căn dặn tôi, sau này có con phải cho con ăn học. Cũng vì như vậy, khó khăn mấy tôi quyết tâm cho các con ăn học”- ông Ba Trong nói về lý do “lo chữ” cho các con với vẻ đầy tự hào.

Đến nay, “Xóm Huế” đã có hàng trăm người được đào tạo qua đại học, cao đẳng. Trong đó, có nhiều người đã học xong thạc sĩ, tiến sĩ và thành đạt ở nhiều cấp bậc, chức vụ khác nhau. Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: Khi vào sống tập trung tại kênh Giáo Bảy, những hộ dân gốc miền Trung không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn rất quan tâm việc học. Ông cha  quyết tâm lo cho con ăn học; anh chị đi trước truyền lửa; lớp dưới noi theo tạo lên truyền thống, dần xây dựng lên “thương hiệu” của “Làng hiếu học Giáo Bảy”. Người dân chung quanh đã nhìn thấy được “cái kết có hậu của việc lo chữ”, cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương nên việc học nơi đây ngày càng phát triển hơn.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết