Vào ngày 25-10, khi vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ làm việc tôi đã gặp một nạn nhân bị tai nạn giao thông chấn thương nặng. Đó là chị Nguyễn Thị Mỹ (32 tuổi), làm công nhân khâu đóng gói giày tại Công ty TNHH Tỷ Xuân (nằm trong Khu công nghiệp Hòa Phú, QL1 đoạn Long Hồ - Vĩnh Long). Bà Trần Thị Bảy, mẹ của chị Nguyễn Thị Mỹ, kể lại nguyên nhân vụ tai nạn giao thông là do Võ Mạnh D., sinh viên của Trường Đại học dân lập Cửu Long (gần khu công nghiệp Hòa Phú) chạy xe tay ga bất ngờ rẽ vào cổng trường, cúp ngang đầu xe gắn máy của chị Nguyễn Thị Mỹ chạy phía sau, làm chị Nguyễn Thị Mỹ bị té chấn thương sọ não và gãy 2 xương sườn bên phải. Bà Trần Thị Bảy khóc, nói: "Nhà Mỹ ở tận xã Song Phú, cách khu công nghiệp gần 10km. Chồng Mỹ đi làm ăn xa, con mới 2 tuổi phải gởi hàng xóm giữ, nên mỗi lần tan ca nó thường chạy nhanh về nhà. Chắc nó cũng chạy nhanh nên mới bị té nặng dữ vậy". Còn em Võ Mạnh D. thì bị xây xát cả mặt, tay, vẻ mặt đầy sợ hãi, nói: "Con đi học trễ, lại phải thi kết thúc môn, nên khi quẹo vô cổng trường đã không quan sát kỹ để phát hiện người chạy xe gắn máy ở phía sau". Khi ngồi ở hành lang phòng Cấp cứu, em Võ Mạnh D. buồn bã nói: "Khi học về Luật Giao thông, thầy giáo thường nhắc đi, nhắc lại phải quan sát kỹ và giữ khoảng cách an toàn thì sẽ tránh gây tai nạn. Vậy mà,
".
Hầu hết các ca tai nạn giao thông đường bộ đều có nguyên nhân từ sự chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Sự cố đối với sinh viên Võ Mạnh D., khiến tôi nhớ đến việc hồi năm ngoái ở xóm tôi (hẻm 50 đường Trần Hoàng Na thuộc tổ 4, khu vực 2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cũng có trường hợp cháu Huỳnh Minh Tấn, 3 tuổi, bị một sinh viên chạy xe gắn máy đụng gãy tay. Do con hẻm 50 đường Trần Hoàng Na ăn thông với hẻm 126 đường 30 Tháng 4 (cạnh Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ), nên mật độ lưu thông xe gắn máy của sinh viên trong các khu nhà trọ rất nhiều. Sau khi tai nạn xảy ra với cháu Huỳnh Minh Tấn, bà con trong xóm đã thống nhất yêu cầu anh Lê Văn Duyên (tổ trưởng tổ 4, khu vực 2) phải làm việc với các chủ nhà trọ, yêu cầu họ phải đưa vào nội quy nhà trọ quy định giữ gìn trật tự an toàn giao thông khi ra vào hẻm. Khi có thanh niên nào chạy vào hẻm theo kiểu rồ ga, phóng nhanh thì các nhà ở mặt tiền hẻm cũng lớn tiếng, nhắc nhở. Do vậy, con hẻm 50 không còn tình trạng xe gắn máy va quẹt nhau, nhất là tại các ngách hẻm.
Trở lại vụ tai nạn giao thông của chị Nguyễn Thị Mỹ. Tổng số tiền viện phí sau ca phẫu thuật sọ não của chị Nguyễn Thị Mỹ lên đến gần 10 triệu đồng, nhờ chị Nguyễn Thị Mỹ có thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình của sinh viên Võ Mạnh D. chỉ phải chi trả 20% viện phí (gần 2 triệu đồng). Ông Võ Mạnh T., ba của Võ Mạnh D. nói: "Gia đình tui sống nhờ mấy công ruộng, vụ tai nạn này nếu phải đóng 100% viện phí thì tui cũng không còn tiền để đóng học phí cho Võ Mạnh D.".
Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết: Trong 10 tháng đầu năm nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 2.300 ca tai nạn giao thông, trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông thanh toán bảo hiểm y tế cao nhất lên đến gần 30 triệu đồng. Quy định người bị tai nạn giao thông nhập viện, nếu xuất trình thẻ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế được áp dụng từ đầu năm 2012 (quy định tại Thông tư Liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC của Liên Bộ Y tế và Tài chính ban hành ngày 11-11-2011). Cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành là đơn vị có trách nhiệm thanh toán bảo hiểm y tế và phải đòi lại số tiền viện phí bảo hiểm y tế, nếu như công an xác minh trường hợp bệnh nhân đó vi phạm các qui định về pháp luật giao thông. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ, cho biết: Trong gần 2 năm qua, tại các hội nghị về công tác bảo hiểm y tế do Trung ương tổ chức, các tỉnh, thành đều kiến nghị Trung ương nên sửa đổi quy định của Thông tư Liên tịch số 39/2011/TTLT-BYT-BTC, vì hầu như không có địa phương nào có đủ nguồn nhân sự để làm nhiệm vụ xác minh, để đòi lại số tiền viện phí của những bệnh nhân bị tai nạn giao thông (do người đó vi phạm các qui định pháp luật về giao thông). Tới đây Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ hiệu chỉnh bất cập trong chế độ thanh toán viện phí, trong đó có quy định về thanh toán cho trường hợp bị tai nạn giao thông.
Thực tế, ai cũng biết hầu hết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nặng nề nguyên nhân thường là do phóng nhanh, vượt ẩu, do điều khiển phương tiện giao thông khi có rượu, bia,
kể cả những trường hợp gây tai nạn giao thông do cúp cua, qua lộ ẩu như trường hợp của sinh viên Võ Mạnh D. là việc hoàn toàn có thể phòng tránh. Vấn đề là phải ý thức được việc lái xe cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người.
Đ. KHÔI