10/05/2009 - 08:51

Kinh hoàng phốt-pho trắng !

Cuộc sống của Gazia dường như đã khép lại từ cái hôm ngôi nhà mà cả gia đình em quây quần bên nhau bị nổ tung dưới làn đạn súng cối do liên quân bắn. Khi đó, cha của em nhìn thấy đầu và cổ của con gái mình bị bao trùm bởi làn khói cháy sáng. Hơn hai tháng kể từ buổi sáng kinh hoàng đó, hiện bé Gazia đang nằm trên giường bệnh trong căn cứ không quân Mỹ ở Bagram. Đôi tay búp măng của bé vẫn còn nguyên vẹn nhưng gương mặt đã biến dạng đến mức không thể nhận ra với một nửa da đầu nhăn nhúm các vết sẹo làm tóc không thể mọc lại được.

Quân đội Mỹ nã súng cối có chứa bột phốt-pho trắng xuống một cứ điểm của Taliban ở tỉnh Helman (Afghanistan) hôm 4-3-2009. Ảnh: Getty Image  

“Vụ nổ quá khủng khiếp đến mức lúc đó tôi gần như bị điếc, không thể nghe được bất kỳ âm thanh nào. Một lúc sau tôi nghe được tiếng gào thét của vợ tôi: “các con đã bị cháy” và tôi nhìn thấy cô ấy cũng như thế”, Aziz Rahman, bố của Razia, ngậm ngùi kể với phóng viên Reuters vụ việc làm chết 2 đứa con của mình.

Đám lửa nuốt chửng nhà của Rahman được sinh ra bởi hóa chất có tên gọi phốt-pho trắng. Đó chính là chất mà y bác sĩ Mỹ ở căn cứ Bagram tìm thấy trên cổ và mặt của bé Razia. Phốt-pho trắng rất dễ cháy, khi tiếp xúc với không khí nó tự động bốc cháy dữ dội. Khi cháy, phốt-pho trắng sẽ gây bỏng nặng do nó có khả năng bám chặt, thậm chí ngấm sâu đến tận xương, vào các mô trong cơ thể và phá hủy chúng. Phốt-pho trắng có thể được sử dụng một cách hợp pháp trong chiến tranh để tạo ra ánh lửa, màn khói (khi bom phát nổ) hoặc phá hủy hạ tầng kỹ thuật của đối phương. Chính vì thế, nó không thuộc dạng bị “chế tài” trong các công ước quốc tế về cấm phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học.

Đại tá Gregory Julian, phát ngôn viên của tổng chỉ huy liên quân Mỹ - NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) tại Afghanistan, xác nhận liên quân có sử dụng phốt-pho trắng. Ông cho biết trên chiến trường, phốt-pho trắng được dùng làm bom lửa để đánh phá boongke và trang thiết bị của đối phương. Nó cũng được dùng để chiếu sáng. Theo các tài liệu huấn luyện của Lầu Năm Góc, binh sĩ Mỹ bị cấm nã vũ khí phốt-pho trắng vào dân thường. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng sử dụng phốt-pho trắng ở các khu vực có dân cư sinh sống vẫn diễn ra. Razia và gia đình của bé là những nạn nhân (của tình trạng sử dụng phốt-pho trắng) đầu tiên được biết tới ở Afghanistan.

Rahman kể quả đạn pháo đốt cháy con gái anh rớt xuống sau một cuộc đọ súng gần nhà anh ở tỉnh Kapisa, miền Đông Afghanistan. “Binh lính phương Tây đang ở trên đường, Taliban thì đóng trên núi còn nhà chúng tôi nằm ở giữa. Khi Taliban bắt đầu tháo lui, họ (liên quân) nã pháo vào chúng, tổng cộng 12 quả và một trong số đó trúng nhà chúng tôi”, Rahman kể tiếp. Phía liên quân không đồng ý cách nói của Rahman và cho rằng kết quả điều tra nội bộ cho thấy xét về yếu tố thời gian và địa điểm, vũ khí rơi trúng nhà của bé Razia “không thể nào” là của họ mà rất có thể là do Taliban bắn. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan, các chuyên gia quân sự và những người am tường về Taliban khẳng định phe này chưa bao giờ sử dụng phốt-pho trắng. Lực lượng duy nhất trên chiến trường được biết có dùng “vũ khí hóa học” này là quân đội Mỹ và NATO.

“Việc cho rằng Taliban sử dụng phốt-pho trắng làm vũ khí là rất gượng gạo”, Marc Garlasco - cựu chuyên gia tình báo của Lầu Năm Góc nay làm việc cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - nói. Còn Zaher Maruha, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Afghanistan quả quyết: “Tôi chưa từng nghe nói Taliban sử dụng thứ đó trong các cuộc tấn công của chúng”.

Trở lại căn cứ Bagram, bác sĩ quân y Mỹ Colleen Fitzpatrick, người đang điều trị cho Razia, cho biết phốt-pho trắng hủy hoại tới 40% cơ thể của bé. Không chỉ mang vết thương thể xác, cô bé mới 8 tuổi này còn bị tổn thương nặng về mặt tinh thần không biết bao giờ mới bình phục.

VIỆT QUỐC (Theo Reuters, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết