15/03/2010 - 10:13

Kiểu bảo hộ tinh vi?

Nhiều nhà lãnh đạo chính phủ và cơ quan thương mại châu Âu vừa lên tiếng cáo buộc Nhà Trắng đã cố tình sửa đổi điều kiện trúng thầu đối với hợp đồng cung cấp 179 máy bay tiếp nhiên liệu trên không trị giá lên đến 35-40 tỉ USD cho Không lực Mỹ. Theo quy chế mới, nhà thầu phải cung cấp loại máy bay tiếp nhiên liệu nhỏ hơn và rẻ hơn so với kế hoạch ban đầu nhằm giúp tiết kiệm chi tiêu cho Lầu Năm Góc. Quy chế này khiến liên doanh giữa Northrop Grumman (Mỹ) và Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu EADS không thể trở tay và đành phải tuyên bố rút lui hôm 8-3. Không có Northrop Grumman- EADS, tập đoàn Boeing khổng lồ của Mỹ đương nhiên sẽ không có đối thủ cạnh tranh. Ngay sau thông báo rút lui của Northrop Grumman-EADS, người phát ngôn của Boeing tuyên bố họ sẽ cho ra đời loại máy bay tiếp nhiên liệu “do người Mỹ thiết kế và chế tạo”, giúp tiết kiệm cho người đóng thuế 10 tỉ USD.

Sự vụ cho thấy Lầu Năm Góc đã dành ưu tiên cho các tập đoàn quốc phòng nội địa, thay vì chọn lựa một liên doanh có “yếu tố nước ngoài” (châu Âu). Thành thử ra, báo chí Pháp gọi đây là một kiểu bảo hộ mậu dịch nằm trong điều khoản khuyến nghị “Mua hàng Mỹ”của Tổng thống Barack Obama. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thông báo sẽ đưa vụ “xì-căng-đan mậu dịch” trên ra bàn thảo với ông Obama tại Nhà Trắng vào cuối tháng 3 này. Phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng Đức cũng cho biết bà Angela Merkel sẽ chất vấn vấn đề này với Tổng thống Mỹ tại Washington vào tháng 4. Thủ tướng Anh Gordon Brown thì cho rằng đây là sự cạnh tranh không công bằng. Theo một thành viên ủy ban tài chính Quốc hội Pháp, ông Bernard Carayon, việc sửa đổi tiêu chí lựa chọn mẫu máy bay tiếp nhiên liệu có thể là do các quan chức cao cấp Lầu Năm Góc đã nhận tiền lót tay từ Boeing.

Tựu trung lại, báo chí Pháp cho rằng chính quyền Mỹ đang tìm cách bảo hộ các công ty trong nước nhằm đánh bóng hình ảnh của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Cũng bằng cách này, một số ủy ban cça Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát mới đây đã yêu cầu chủ tịch tập đoàn Toyota của Nhật Bản phải ra điều trần về vụ thu hồi hàng triệu xe hơi bị lỗi kỹ thuật. Tờ Le Monde cho rằng hình ảnh ông Akio Toyoda cúi đầu xin lỗi trước các ông nghị Mỹ sẽ tạo lợi thế cho General Motors, “trụ cột” của ngành công nghiệp xe hơi xứ cờ hoa hiện do nhà nước nắm 60% cổ phần. Nếu sự thật như vậy thì đây đúng là kiểu bảo hộ mậu dịch hết sức tinh vi.

KIẾN HÒA (Theo Le Monde, AFP)

KIẾN HÒA (Theo Le Monde, AFP)

Chia sẻ bài viết