19/05/2022 - 09:00

Kiện toàn hệ thống y tế cơ sở TP Cần Thơ
BÀI 2: Nhận diện khó khăn, thách thức 

NGỌC YẾN - THU SƯƠNG

Hiện tại, hệ thống y tế cơ sở của thành phố đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Những vướng mắc được bộc lộ rõ trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, do điều kiện cơ sở hạ tầng, nhân sự còn hạn chế, khó thu hút bệnh nhân. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động còn nhiều bất cập, thu nhập chưa tương xứng…

BV Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh đối mặt nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Ảnh: THU SƯƠNG

Khó khăn chồng chất

Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, lượng bệnh tại các BV ở một số quận, huyện vẫn sụt giảm. Trước đây, Bệnh viện (BV) Ða khoa quận Thốt Nốt thu hút rất đông bệnh nhân địa phương và các tỉnh lân cận như An Giang, Ðồng Tháp, nhưng nay bệnh nhân thưa thớt. BS CKII Trần Phước Sang, Trưởng Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, BV Ða khoa quận Thốt Nốt, cho biết: “Sau một tháng BV mở cửa trở lại, chúng tôi chỉ mổ 3 ca nội soi ruột thừa, so với trước đây một ngày có khi mổ 3-5 ca”. Nhiều cái khó dai dẳng khác, như thiếu hụt kinh phí đảm bảo hoạt động và sửa chữa trang thiết bị.

Lãnh đạo BV Ða khoa quận Thốt Nốt cho biết, kinh phí cho BV Dã chiến quận Thốt Nốt chỉ mới cấp tháng 8, tháng 9-2021. Từ tháng 10-2021 đến nay thành phố chưa cấp gì thêm. BV còn nợ kinh phí mượn của quận hơn 800 triệu đồng, nợ tiền ăn cho nhân viên và người bệnh trong giai đoạn thực hiện BV Dã chiến. Hiện, BV Ða khoa quận Thốt Nốt thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, máy móc hư hỏng phải sửa chữa, do sử dụng hết mức trong giai đoạn chống dịch. 

Không riêng BV Ða khoa quận Thốt Nốt, BV Ða khoa huyện Vĩnh Thạnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Lượng người đến BV khám chữa bệnh cũng giảm hơn 50% cả nội, ngoại trú. “Thực trạng này làm chúng tôi lo lắng, vì như vậy BV không có nguồn thu, đồng nghĩa với giảm thu nhập cho nhân viên y tế. Hiện chúng tôi bế tắc, lực bất tòng tâm”- BS Lê Tấn Hẳng, Phó Giám đốc BV, bộc bạch.

BS Hẳng kể: "BV có 27 bác sĩ. Trừ Giám đốc, những bác sĩ còn lại đều tham gia khám chữa bệnh. Cuối năm 2020, bác sĩ gây mê hồi sức duy nhất của BV đã nghỉ việc nên BV đóng cửa phòng mổ. Trong khi đó, việc thu hút bác sĩ gây mê nói riêng và các bác sĩ chuyên khoa khác về Vĩnh Thạnh rất khó, đưa người đi học về giữ chân cũng khó. Về cơ sở vật chất, công trình BV xây dựng từ năm 2015 đến nay xuống cấp, hư hỏng nhiều, không có kinh phí sửa chữa. Nhiều thiết bị đã cũ, lạc hậu, như hệ thống X-quang chỉ chụp thông thường chứ không chụp được kỹ thuật số. 2 máy xét nghiệm cũng đã rất cũ, chưa được bảo hành. Ðiều này ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện làm việc của nhân viên y tế, cũng như hiệu quả điều trị và sự hài lòng của bệnh nhân".

Dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nhân viên y tế Trạm Y tế phường Trà An, quận Bình Thủy, vẫn tất bật với công việc. Ảnh: THU SƯƠNG

BS CKI Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền, cũng cho biết: “Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Qua 11 năm sử dụng, nền lún sụp, mái nhà dột, trần nhà hư nhiều, tường thấm, nứt và sơn bong tróc. Trang thiết bị dụng cụ y tế một số đã hư; một số được đầu tư nhưng chưa đưa vào sử dụng, như những thiết bị phòng mổ. Ðây là vấn đề khó khăn và tồn tại nhiều năm qua, không có bác sĩ chuyên khoa ngoại, sản, gây mê hồi sức. Ðơn vị đưa nhân sự đi đào tạo xong, về thôi việc”. Theo BS Thúy, vấn đề tự chủ tài chính cũng hết sức nan giải. Áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, nhiều cán bộ y tế nghỉ việc. Từ năm 2021 đến nay, có 5 y, bác sĩ nghỉ việc, phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc, thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Trung tâm Y tế quận Bình Thủy cũng đối mặt thực trạng tương tự. Hai năm qua, Trung tâm có 6 người nghỉ việc, trong đó có cả bác sĩ CKII nội giữ chức vụ phó giám đốc Trung tâm. Hiện, Trung tâm chỉ điều trị các bệnh nội khoa thông thường; ngoại khoa và các chuyên khoa khác chưa thực hiện được. Nhân lực thiếu, máy móc được trang bị ít sử dụng cũng hư hỏng, gây lãng phí. Dàn oxy lỏng âm tường bị hư đã lâu cần kinh phí sửa chữa lớn nhưng chưa được hỗ trợ. Do vậy, lượng bệnh đến Trung tâm thưa thớt, chỉ có khoảng 70-80 lượt/ngày.

Từ tháng 3-2022, dịch bệnh COVID-19 đã lui, nhưng nhân viên nhiều trạm y tế vẫn không ngơi việc. Trạm Y tế phường Trà An chỉ có 7 người, vừa khám chữa bệnh cho người dân, vừa quản lý F0 điều trị tại nhà, tiếp tục tiêm vaccine ngừa COVID-19, còn đảm trách nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác..., phải luân phiên thực hiện hàng loạt công việc, thời gian nghỉ ngơi rất hiếm hoi. Trưởng Trạm Y tế phường Trà An Nguyễn Ngọc Thọ cho biết: “Y tế cơ sở vất vả thời gian dài, cực lắm nhưng chúng tôi động viên nhau cố gắng vì người bệnh. Phường cũng có vận động các nguồn để hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế một phần xăng xe, phí điện thoại, nhưng hạn chế. Chế độ thù lao chống dịch cũng chưa đủ, chỉ có từ tháng 7 đến tháng 10-2021. Tôi cũng động viên anh em làm nhưng không có chế độ kịp thời, anh em ít nhiều băn khoăn”.

Thách thức bủa vây

Hệ thống y tế cơ sở của thành phố chưa đồng bộ, cùng là tuyến quận, huyện có nơi có trung tâm y tế và BV đa khoa, có nơi có trung tâm y tế hai chức năng và có nơi trung tâm y tế chỉ có một chức năng không có giường bệnh.

BS CKII Nguyễn Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, than thở: “Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, Công ty Xổ số kiến thiết TP Cần Thơ tặng 1 xe cứu thương nhưng do vướng cơ chế, Trung tâm không có giường bệnh nên không nhận được xe. Quận Ninh Kiều cũng không thể chi hỗ trợ cho Trung tâm kinh phí hoạt động chống dịch vì Trung tâm trực thuộc Sở Y tế”. Thiệt thòi sau cùng là người dân trên địa bàn quận Ninh Kiều trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Không có giường bệnh, Trung tâm không thể khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú. Người dân có bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ban đầu ở các BV đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn quận gặp nhiều bất tiện về thời gian chờ đợi, không được theo dõi, tư vấn sức khỏe liên tục.

Mạng lưới cơ sở y tế ở quận Ninh Kiều chênh lệch rất nhiều so với các địa phương khác. Quận trung tâm có đông dân, chưa kể lượng tạm trú, học sinh, sinh viên. Như Trạm Y tế phường An Khánh, dân số hơn 50.000 người cũng chỉ được bố trí tối đa 10 người. Số lượng cán bộ, nhân viên y tế như thế không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Các trạm y tế trên địa bàn quận đa phần xuống cấp, diện tích chật hẹp. Người dân đến trạm tiêm ngừa, đậu xe dưới lòng lề đường để chờ.

Trong khi đó, BS CKI Trần Ðình Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác hành chính, giấy tờ ở trạm y tế chiếm khá nhiều thời gian của nhân viên y tế. Cán bộ y tế luân phiên trực 24/24, nhưng thù lao chi trả cho ca trực ngày đêm chỉ có 40.000 đồng, đã bao gồm tiền ăn. Mức lương chính của nhân viên y tế ở trạm thấp, trung bình một nhân viên y tế đi làm 3-4 năm thì được khoảng 4-5 triệu đồng. Ðiều kiện nâng cao trình độ cũng rất khó. Mỗi năm, Sở Y tế thành phố cấp kinh phí cố định cho trạm và trung tâm chỉ trả lương thôi đã thiếu hụt, trong khi đó, nguồn thu từ dịch vụ rất ít”.

Nền tảng công nghệ thông tin của ngành Y tế thành phố vẫn còn hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Như mô hình bác sĩ gia đình, Sở Y tế thành phố đã thành lập đề án, triển khai xuống nhiều xã, phường, nhưng đến nay còn dang dở. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lý do chính là hạn chế về nguồn lực và nền tảng công nghệ thông tin để có thể vận hành khả thi và hiệu quả mô hình này.

BS Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố, nhận định: Hệ thống y tế cơ sở thành phố còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực. Nhân viên y tế chủ yếu là người địa phương. Ngành chưa có chính sách khuyến khích nhân lực các địa phương khác đến mặc dù thành phố có nhiều trường đào tạo ngành y dược. Bên cạnh đó, rất nhiều thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng, các chương trình phòng, chống dịch bệnh chủ động, phân tuyến khám chữa bệnh… Lãnh đạo ngành Y tế thành phố đã nhìn nhận rõ những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đề ra nhiều giải pháp củng cố hệ thống, bổ sung lực lượng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian tới.

Bài cuối: Cần hành động quyết liệt, khẩn trương

Chia sẻ bài viết