18/05/2022 - 07:47

Kiện toàn hệ thống y tế cơ sở TP Cần Thơ
Bài 1: Trọng trách tuyến đầu 

NGỌC YẾN - THU SƯƠNG 

Nhiều năm qua, TP Cần Thơ tập trung nguồn lực lớn để đầu tư, phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tại địa phương. Những đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, tuyến y tế cơ sở đã đóng vai trò “then chốt” góp phần cùng các ngành, các cấp khống chế, kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe cộng đồng.

Bài 1: Trọng trách tuyến đầu

Hơn hai năm, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hệ thống y tế cơ sở TP Cần Thơ đã phát huy vai trò tuyến đầu trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, mạng lưới y tế cơ sở cũng bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, thiếu đồng bộ về hệ thống, cơ chế chính sách chưa tương xứng. Lãnh đạo ngành Y tế và các đơn vị cũng đã đánh giá toàn diện thực trạng để có giải pháp tháo gỡ, kiện toàn hệ thống y tế cơ sở.

Cán bộ y tế phường Thốt Nốt trao chứng nhận hoàn thành cách ly cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà.  Ảnh: Thu Sương

Bản lĩnh, nhiệt huyết

Mọi sinh hoạt thường ngày gần như đảo lộn, đường xá vắng vẻ, nhà giãn cách nhà, người dân hoang mang... Chính lúc này, trọng trách nặng nề đặt lên vai lực lượng y, bác sĩ tuyến y tế cơ sở. Ngày đêm, họ xông pha, tiếp xúc trực tiếp F0, truy vết F1, trấn an người dân... Ðó là những gì chúng ta bắt gặp khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong năm 2021.

Trưởng Trạm Y tế phường Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) Nguyễn Thanh Ngọc Thúy nhớ lại, đầu tháng 8-2021, khi dịch bệnh COVID-19 lây nhiễm rộng, Trạm Y tế phường Thốt Nốt có 8 người, vừa tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân đến khám chữa bệnh, vừa tập trung công tác phòng, chống dịch cấp bách cho hơn 20.000 dân. Cao điểm nhất là khi Bệnh viện (BV) Ða khoa quận Thốt Nốt chuyển công năng thành BV Dã chiến 400 giường, vừa thành lập hôm trước, hôm sau đã đầy bệnh. Trạm Y tế phường phải tiếp nhận sơ cấp cứu ban đầu cho F0 nặng, rồi mới chuyển tuyến.

Chị Thúy chia sẻ: “Thời điểm đó, công việc không tính bằng giờ hành chính mà tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Tôi và đồng nghiệp bận rộn với công việc đến tận khuya, nhiều hôm bỏ bữa. Nhân viên ở trạm suốt nhiều tháng không về nhà, vì công việc liên tục và cũng sợ lây bệnh cho cha mẹ già, con nhỏ. Anh em ở trạm lần lượt nhiễm bệnh, nhưng vừa khỏe lại tiếp tục đồng hành với đồng đội ở tuyến đầu”.

Qua những đợt dịch căng thẳng, bà con trân quý hơn cán bộ y tế ở trạm. Bà Nguyễn Ngọc Lan (56 tuổi), ngụ ở phường Thốt Nốt, cho biết: “Lúc bị nhiễm bệnh tôi vô cùng hoảng loạn, cứ sợ mình chết. Nhờ sự động viên, điều trị tận tình của các bác sĩ mà tôi hết bệnh được về nhà”.

Trong đợt dịch căng thẳng, Trạm Y tế phường Thới An Ðông, quận Bình Thủy, cũng tập trung lực lượng làm việc ngày đêm. Ðặc biệt khi thành phố có chủ trương cho F0 điều trị tại nhà, các y, bác sĩ trạm y tế càng bận rộn, tất bật hơn. Chị Hà Thị Cẩm Mai, Trưởng Trạm Y tế  phường Thới An Ðông, nói: “Có những ngày, trạm tiếp nhận đến hàng trăm cuộc điện thoại của người dân nhờ tư vấn sức khỏe, cách uống thuốc trong điều trị COVID-19. Chưa kể, nhân viên còn đến hỗ trợ người bệnh nặng tại nhà. Nhờ sự nỗ lực hết mình và sự sát cánh của cấp trên, ban ngành đoàn thể địa phương, trạm đã quản lý, chăm sóc an toàn cho gần 1.200 F0 điều trị tại nhà”.

Các trạm y tế gồng mình chống dịch thì các Trung tâm y tế cũng hoạt động hết công suất để cứu chữa người bệnh. BS CKI Lê Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cái Răng, cho biết: “Trung tâm kết nối chặt chẽ với các bác sĩ BV Ða khoa thành phố để hội chẩn viện, chuyển tuyến, phân tầng phù hợp. Sau đó, lượng bệnh tăng nhanh, quá tải, thành phố giao Cái Răng tiếp nhận điều trị luôn các ca bệnh nặng. Ðỉnh điểm khó khăn là BV thiếu thuốc kháng đông, kháng viêm điều trị cho bệnh nhân suy hô hấp, BV kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để cứu chữa bệnh nhân. Thành phố cũng hỗ trợ lắp đặt bồn oxy. Nhờ đó, BV điều trị thành công hơn 1.000 F0”.

BS CKII Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: Trong 2 năm qua, với tinh thần nhiệt huyết, yêu nghề và sự hỗ trợ của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương, hệ thống y tế cơ sở đã thể hiện bản lĩnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đạt hiệu quả. Giai đoạn dịch bùng phát và giãn cách xã hội, hệ thống y tế cơ sở làm việc không nghỉ ngơi, vừa chống dịch, thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-9, vừa tham gia công tác điều trị COVID-19, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương.

Bám dân, gần dân

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở vẫn đảm đương trọng trách y tế tuyến đầu, với gần 20 chương trình theo chức năng nhiệm vụ. Mạng lưới trạm y tế đã khởi động lại chương trình tiêm chủng mở rộng song song chương trình tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi. Các BV và trung tâm y tế, các trạm y tế sửa chữa cơ sở vật chất, bố trí lại phòng ốc, tiếp nhận khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú. Ðiển hình như Trạm Y tế phường Thới An Ðông (quận Bình Thủy) là địa chỉ tin cậy của bà con trong phường và các phường lân cận. Mỗi ngày trạm tiếp nhận hơn 50 lượt bệnh nhân. Trạm có đến 3 bác sĩ phụ trách gồm chuyên khoa nội, y học gia đình và y học cổ truyền nên đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của bà con. Hầu hết cán bộ y tế của trạm là người địa phương, tạo sự gần gũi với bệnh nhân.

Chị Hà Thị Cẩm Mai, Trưởng Trạm Y tế phường Thới An Ðông, gắn bó hơn 17 năm với trạm y tế, cho biết: “Ðợt này trạm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho gần 1.500 trẻ và tiêm nhắc, tiêm bổ sung cho các đối tượng. Trạm thực hiện quản lý các bệnh mạn tính, thăm khám sức khỏe và cấp thuốc định kỳ cho người bệnh. Hàng năm, tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho bà con nghèo, hộ gia đình chính sách. Chúng tôi luôn hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng”.

Cán bộ Trạm Y tế xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh thăm khám sức khỏe cho người dân địa phương. Ảnh: Thu Sương

Y sĩ Tô Thị Bích Nga, 26 tuổi, làm việc tại Trạm Y tế xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh vừa tổ chức lễ cưới sau 2 năm sát cánh cùng đồng nghiệp chống dịch. Cưới xong, chị Nga lại tất bật với công việc tại trạm. Chị Nga bộc bạch: “Dân số xã nhiều, công việc xuyên suốt, trong khi nhân lực ít, có cán bộ đi học, nghỉ hộ sản nên rất cực. Nhưng vất vả hiện nay không áp lực nhiều như giai đoạn dịch căng thẳng. Trạm có 8 người thì 4 người mắc COVID-19, bản thân là người mắc bệnh nặng nhất. Dù vậy, khi vừa ổn là anh em lại lao ngay vào công việc”. Từ khi dịch bệnh xảy ra, bà con nơi đây càng gắn bó hơn với nhân viên y tế ở trạm. Nhiều người dân ở xã lân cận cũng tìm đến trạm. Chú Nguyễn Văn Hai, ở xã Thạnh Quới, nói: “Bác sĩ vui vẻ, tư vấn tận tình, thuốc men đầy đủ nên bà con yên tâm. Người dân ở đây rất quý mến các cô chú ở Trạm, trong suốt thời gian dịch bệnh, họ rất vất vả, cực nhọc chống dịch. Khi người dân gọi báo trong nhà có người bệnh là họ hỗ trợ liền dù là đêm khuya, ngoài giờ”.

Thành phố Cần Thơ hiện có 9 trung tâm y tế (trong đó có 4 trung tâm có giường bệnh và 5 trung tâm chỉ có chức năng dự phòng), 3 BV đa khoa quận, huyện và 1 BV Quân dân y tại huyện Cờ Ðỏ; 80 trạm y tế xã, phường. Ðây thật sự là hệ thống y tế cơ sở quan trọng của thành phố, thực hiện cấp cứu ban đầu, khám, chữa bệnh các chuyên khoa cơ bản và thực hiện các chương trình y tế dự phòng, góp phần nâng cao sức khỏe ban đầu cho người dân.l

Chia sẻ bài viết