14/10/2009 - 08:55

Kịch bản nào cho chính trường Afghanistan ?

Ông Mustafa Barakzai.
Ảnh: AP

Những nỗ lực giải quyết cuộc bầu cử gây tranh cãi vì gian lận ở Afghanistan tiếp tục có “bước lùi” mới, khi một trong năm thành viên Ủy ban giải quyết khiếu kiện bầu cử (ECC) là Maulavi Mustafa Barakzai, người của Tòa án Tối cao Afghanistan, tuyên bố từ chức hôm 12-10. Cuối tuần rồi, Trưởng đại diện Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Afghanistan Kai Eide cũng thừa nhận có gian lận “quy mô rộng” trong bầu cử. Trước đó, Phó đại diện Peter Galbraith đã bị sa thải do bất đồng với ông Eide xung quanh cách thức giải quyết vụ gian lận bầu cử này.

Việc ra đi của ông Barakzai, một trong hai người Afghanistan có chân trong ECC, diễn ra khi ECC sắp hoàn tất việc điều tra các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 20-8. Nguyên nhân, theo ông Barakzai, là do “sự can thiệp của nước ngoài” và ECC không tham khảo ý kiến ông trong quá trình đưa ra quyết định. “Ba người nước ngoài trong ECC đưa ra tất cả các quyết định”, ông Barakzai cho biết. Tuy nhiên, Chủ tịch ECC Grant Kippen đã bác bỏ cáo buộc trên.

Theo các nhà phân tích, sự ra đi của ông Barakzai, được xem là thuộc phe trung thành với Tổng thống Hamid Karzai, vào thời điểm này cho thấy ECC có thể chuẩn bị loại bỏ số phiếu đáng ngờ đủ để buộc ông Karzai bước vào vòng bầu cử thứ hai. Kết quả sơ bộ tháng rồi cho thấy ông Karzai giành được khoảng 54% phiếu bầu, bỏ xa đối thủ về nhì là cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah 28%. Theo các giám sát viên Liên minh châu Âu, 25% tổng số phiếu (khoảng 1,5 triệu phiếu) bị nghi ngờ gian dối. Nếu kết luận số phiếu trên là lừa bịp, có thể ông Karzai không kiếm đủ 50% số phiếu theo yêu cầu và phải “đấu tay đôi” với ông Abdullah.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ lo ngại rằng vòng bầu cử thứ hai có thể còn phức tạp hơn vòng một, nhất là khi nó được tổ chức gấp rút. Bầu cử vòng hai sẽ diễn ra trong 2 tuần kể từ khi có kết quả chính thức vòng 1, dự kiến sẽ được công bố trong tuần này. Một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc cảnh báo Taliban có thể phá hoại cuộc bầu cử vòng hai bằng các hành động bạo lực đẫm máu hơn ở vòng một, vốn xảy ra trên 500 vụ tấn công để ngăn người dân đi bỏ phiếu.

Theo hãng tin Mỹ McClatchy, trong trường hợp Tổng thống Karzai giành thắng lợi ở vòng hai, Mỹ có thể sẽ buộc ông thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc với ông Abdullah và một số nhà kỹ trị được đào tạo ở phương Tây để đối phó với tình trạng tham nhũng tràn lan ở Afghanistan. Trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters mới đây, ông Abdullah cũng để ngõ khả năng hợp tác với đối thủ trong chính phủ hòa hợp dân tộc, khi cho biết có thể “nói về những kịch bản khác” một khi có kết quả bầu cử. Phát biểu trên cho thấy lập trường của ông Abdullah đã “mềm” hơn so với trước đây, vốn bác bỏ hoàn toàn mọi khả năng hợp tác với chính phủ của ông Karzai mà ông từng làm việc trong vai trò người đứng đầu ngành ngoại giao giai đoạn 2001-2006.

Thế nhưng, cái khó là ở chỗ những người ủng hộ ông Karzai lại không chấp nhận những kế hoạch do nước ngoài áp đặt như vậy. Do đó, kịch bản nào cho chính trường Afghanistan vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

N. KIỆT
(Theo AFP, Reuters, CNN)

Ông Mustafa Barakzai. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết