15/08/2019 - 21:03

Kịch bản nào cho Brexit? 

Thủ tục “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục chia rẽ chính trường Anh, giữa một bên là Thủ tướng Boris Johnson kiên quyết đưa nước này rời khỏi khối bằng mọi giá trong khi Công đảng đối lập ra sức ngăn chặn.

Thủ tướng Johnson (trái) và lãnh đạo Công đảng Corbyn . Ảnh: WSJ

Thủ tướng Johnson (trái) và lãnh đạo Công đảng Corbyn . Ảnh: WSJ

Thủ tướng Johnson mới đây nói rằng ông hy vọng EU sẽ thể hiện “nhận thức chung” với Anh và đồng ý tìm kiếm thỏa thuận mới giải quyết bế tắc trong tiến trình nước này rời liên minh, hay còn gọi Brexit. Trường hợp lãnh đạo khối 27 nước thành viên còn lại tiếp tục từ chối đàm phán, ông tuyên bố sẽ đưa Anh rời EU vào ngày 31-10 mà không cần thỏa thuận.

Quyết tâm ra đi bằng mọi giá của nhà lãnh đạo Anh đang châm ngòi cho xung đột tại quốc hội nước này khi nhiều nghị sĩ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau phản đối kế hoạch “Brexit cứng”. Nhiều người cho rằng giải pháp này sẽ là “thảm họa” đối với một trong những nền dân chủ ổn định nhất phương Tây, làm gián đoạn vận chuyển cung cấp thực phẩm, đi lại và thương mại, gây tổn hại tăng trưởng toàn cầu và hơn hết là suy yếu vị thế của Luân Đôn trên thế giới. Trong khi đó, phe ủng hộ Brexit thừa nhận khó khăn là điều không tránh khỏi nhưng khẳng định bất lợi chỉ mang tính chất ngắn hạn. Về lâu dài, việc dứt khoát rời EU sẽ cho phép Anh phát triển mạnh hơn về kinh tế.

Trước tình hình rối ren như hiện nay, Công đảng đang thảo luận với các chính đảng khác về kế hoạch bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Johnson ngay khi quốc hội hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ vào ngày 3-9 tới. Hiện đảng Bảo thủ của ông Johnson và liên minh đang có thế đa số rất mong manh với chỉ 1 phiếu quá bán tại hạ viện. Trường hợp chính phủ không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, các nghị sĩ sẽ có 14 ngày để lập chính phủ mới. Nếu không, tổng tuyển cử sớm sẽ được tổ chức sau ngày 31-10.

Trong thư gửi các nghị sĩ hàng đầu của Công đảng và một số nhân vật cấp cao đảng Bảo thủ không ủng hộ “Brexit cứng”, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn một mặt đề cập hậu quả kinh tế nếu Anh rơi vào kịch bản Brexit trong hỗn loạn, mặt khác ông kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm và chỉ định người thay thế. Trong thư, nhà lãnh đạo Công đảng tự đề cử bản thân giữ vai trò lãnh đạo một chính phủ tạm quyền có “giới hạn thời gian” với mục đích kéo dài thời hạn Brexit để đảm bảo Anh đạt thỏa thuận rời EU và tiến hành tổng tuyển cử. 

Phản ứng trước tuyên bố của lãnh đạo Công đảng, phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Anh cho rằng người dân cần được tôn trọng và việc ông Corbyn trở thành thủ tướng sẽ “phủ nhận” cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về Brexit cũng như gây tổn hại cho kinh tế nước này. Thủ tướng Johnson trước đó cũng chỉ trích quốc hội làm suy yếu các cuộc đàm phán của chính phủ và tăng nguy cơ nước này phải rời EU mà không có thỏa thuận. Ông cũng cảnh báo không loại trừ khả năng đình chỉ hoạt động của quốc hội nếu các nghị sĩ tiếp tục cản trở tiến trình Brexit.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Tom Tugendhat đề xuất Thủ tướng Johnson có thể đơn phương đưa Anh rời EU vào ngày 24-8 khi quốc hội còn trong kỳ nghỉ nhằm tránh nỗ lực của nhóm nghị sĩ muốn thông qua cơ quan lập pháp ngăn chặn "Brexit cứng" hoặc hạ bệ chính phủ. Tuy nhiên, nguồn tin từ số 10 Phố Downing cho biết ý tưởng này chưa được xem xét bởi rủi ro cao về mặt chính trị. Một chuyên gia về luật của EU cũng nói rõ ngày Brexit chỉ được thay đổi khi có sự đồng ý của Brussels. Trong khi đó, giới quan sát cảnh báo trường hợp Brexit diễn ra trong không đầy 10 ngày tới không chỉ dấy lên tranh cãi từ giới lập pháp, làm ảnh hưởng cuộc sống người dân Anh mà có thể là “cú sốc” cho ngành công nghiệp và thị trường toàn cầu.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết