11/04/2009 - 08:03

Khủng hoảng lương thực tiếp tục đe dọa thế giới

Mặc dù giá lương thực thế giới hiện nay đã giảm 40-50% so với đỉnh điểm hồi mùa Xuân năm ngoái, nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 19% so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thậm chí tại nhiều nước đang phát triển, nhất là ở châu Phi, giá lương thực vẫn đang “duy trì” ở mức cao kỷ lục.

Tờ Thời báo Tài chính của Anh ngày 7-4 vừa qua tiết lộ nội dung dự thảo báo cáo của hội nghị bộ trưởng nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G8) lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Ý từ ngày 18-20/4 tới, trong đó cảnh báo cuộc khủng hoảng lương thực vốn đã gây ra xung đột bạo lực tại nhiều nơi trên thế giới cách đây đúng một năm có khả năng tái hiện và thậm chí còn trầm trọng hơn nếu chúng ta không “hành động ngay lập tức”. Báo cáo nhấn mạnh rằng bất chấp nhu cầu lương thực tăng và hiện tượng biến đổi khí hậu có khả năng làm giảm sản lượng, các nước giàu vẫn tiếp tục “làm ngơ” vấn đề nông nghiệp. Theo bà Sophie Bessis, giám đốc nghiên cứu của Viện quan hệ và chiến lược quốc tế, sự thờ ơ của các nước công nghiệp trong vấn đề nông nghiệp không phải do khủng hoảng tài chính và kinh tế, mà nó đã bị họ xem nhẹ từ 30 năm qua.

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), thế giới sẽ có hơn 1 tỉ người thiếu lương thực trong năm nay so với 963 triệu người hồi cuối năm ngoái, hay so với 850 triệu người trước khi xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nếu một cuộc khủng hoảng lương thực mới xảy ra vào thời điểm này thì hậu quả thật khó lường. Năm 2008, nhờ ngân sách dự trữ nên nhiều quốc gia đã tích cực phản ứng (như trợ giá, xóa bỏ hàng rào thuế quan, tăng lương) để kéo giá lương thực ở mức chấp nhận được cho mọi gia đình. Còn như hiện nay, nhiều nước có thể không còn đủ ngân sách để hỗ trợ lương thực cho người nghèo vì đã dốc hết “hầu bao” chống suy giảm và kích thích kinh tế.

Rõ ràng, ngăn ngừa khủng hoảng lương thực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mà cách tốt nhất là giúp nông dân phát triển nông nghiệp. Nhưng để nông dân tăng năng suất đòi hỏi phải cấp tín dụng cho họ mua giống sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Một số nước nghèo chắc chắn không thể thực hiện được điều này. Do vậy, vì lợi ích chung của thế giới, các tổ chức quốc tế kêu gọi các nước giàu tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. FAO cho rằng các nước nghèo hiện nay mỗi năm cần khoảng 40 tỉ USD để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển và chống thiếu ăn. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack mới đây cho biết Washington có kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ tài chính lên 1 tỉ USD vào năm tới cho phát triển nông nghiệp ở các nước nghèo. Trong tài khóa 2008, Mỹ đóng góp khoảng 2,5 tỉ USD trong tổng số 5,7 tỉ USD viện trợ lương thực của toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhân đạo chỉ trích việc Mỹ viện trợ bằng hiện vật (lương thực) chỉ làm lợi cho nông dân nước họ chứ không giúp ích cho nền nông nghiệp của các nước nghèo.

PHÚC GIA AN (Theo Reuters, Le Monde)

Chia sẻ bài viết