21/03/2011 - 20:35

SỰ CỐ NỔ NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN TẠI NHẬT BẢN:

Không nên hoang mang trong sử dụng thực phẩm

Sushi, sản phẩm nổi tiếng của Nhật.

Trong những ngày qua, người dân hoang mang về sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, thực phẩm của các vùng lân cận. Đặc biệt, theo thông tin thì nhiều nước châu Á đã có kế hoạch kiểm tra tình trạng nhiễm phóng xạ vào các nhóm thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Đàm Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, cho biết:

- Thật ra không phải tất cả các nước đều có biện pháp khẩn trương để kiểm soát thực phẩm như vậy. Đặc biệt, các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... vẫn chưa đưa ra động thái gì về vấn đề trên. Ngay cả Mỹ cũng chỉ dự kiến kế hoạch kiểm tra nếu thật sự cần thiết. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, khả năng nhiễm xạ từ các vụ nổ các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản chỉ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại khu vực lân cận địa điểm xảy ra sự cố, nguy hiểm nhất từ 30 - 50 km, nhưng vấn đề ô nhiễm trên thực phẩm, nguồn nước chưa đến mức báo động, ít ra là trong tình hình hiện nay. Thiết nghĩ, chúng ta không nên hoang mang quá mức vì vấn đề này. Ngày 18-3-2011, Văn phòng chính phủ Nhật Bản đã công bố một số mẫu sữa và rau bi-na tại các nông trại cách các nhà máy hạt nhân bị nổ từ 30 -120 km đã có dấu hiệu ô nhiễm phóng xạ ở mức độ khá cao và mẫu nước lấy tại Tokyo và vài thành phố khác cũng có vết iốt phóng xạ. Nhưng tình hình chưa đến mức nguy hiểm.

* Tuy nhiên, trên lý thuyết khi thực phẩm hoặc nguồn nước bị nhiễm xạ thì có tác hại gì khi người ta ăn uống loại thực phẩm đó, thưa ông ?

- Theo đánh giá của Hội Ung thư quốc tế, một liều tác động trực tiếp từ 1.000 đơn vị phóng xạ (millisievert) mới có thể gây ảnh hưởng tạm thời trên con người như buồn nôn, nôn mửa, khó chịu; một liều 5.000 millisieverts sẽ giết chết khoảng một nửa những người tiếp xúc với nó trong vòng một tháng. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với liều nhỏ hơn mức trên với chất phóng xạ dạng iốt- 131 thì chất này sẽ hấp thu vào tuyến giáp, nguy cơ gây ung thư tuyến giáp; dạng Cesium- 137 dễ gây ra dạng ung thư xương hoặc ung thư bạch cầu. Trẻ em và thai nhi là đối tượng nhạy cảm nhất với phóng xạ, do quá trình phân chia tế bào ở trẻ em nhanh hơn so với người lớn. Cũng nên nhắc lại liều phóng xạ trong không khí tại Nhật Bản hiện nay chỉ dao động từ 30- 100 millisieverts, cá biệt tại khu vực gần nhà máy điện nguyên tử số 3 là 400 millisieverts (đạt ngưỡng báo động 5).

* Liệu thời gian sau chất phóng xạ tại các nhà máy nguyên tử của Nhật Bản có để lại dư lượng phóng xạ trong môi trường đất, nước và thực phẩm?

- Khả năng trên là có. Thực tế, nguồn thực phẩm, trước hết là sữa, thịt bò, rau cải nuôi trồng trong môi trường ô nhiễm bụi phóng xạ sẽ ít nhiều bị ô nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, chúng ta có khoảng cách địa lý khá xa nơi phát tán nguồn phóng xạ thì ảnh hưởng này là không thể. Thiết nghĩ không riêng gì chính phủ Nhật Bản mà cộng đồng thế giới - trong đó có Việt Nam - sẽ có chính sách quản lý, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng như phương án phòng chống tác hại của chất phóng xạ trên sức khỏe con người. Bộ Y tế Nhật Bản đang có kế hoạch phân phát thuốc iốt kali cho người dân khu vực ảnh hưởng phóng xạ để giải độc. Rút kinh nghiệm từ sự cố hạt nhân Chernobul, xảy ra tại Liên Xô năm 1986, chúng ta có thể tin tưởng vào khả năng chuyên môn và kỹ thuật của các nhà khoa học trong việc ngăn chặn sự phát tán chất phóng xạ nhằm bảo vệ sức khỏe con người.

* Được biết trong ngành công nghệ thực phẩm đã từng dùng tia phóng xạ để bảo quản thực phẩm. Thực phẩm xử lý bằng phương pháp này liệu có an toàn cho người sử dụng?

- Đây là phương pháp ứng dụng tia bức xạ gamma của chất phóng xạ Cobalt 60 để chiếu vào thực phẩm nhằm tiêu diệt vi khuẩn, sâu bọ, côn trùng và ký sinh trùng. Phương pháp chiếu xạ thực phẩm (food irradiation method) còn được gọi là phương pháp khử trùng lạnh (cold pasteurization) để phân biệt với phương pháp khử trùng nhiệt độ cao (pasteurization). Vào năm 1976, Tổ chức Y tế Thế giới ra thông báo khuyến khích sử dụng kỹ thuật chiếu xạ trong công nghệ thực phẩm. Đến nay, hơn 50 quốc gia trên thế giới cho phép sử dụng kỹ thuật này để xử lý thực phẩm. Tất nhiên với loại chất chiếu xạ được áp dụng và liều lượng chiếu xạ giới hạn thì thực phẩm bảo quản bằng phương pháp này là an toàn.

* Thưa ông, hiện nay nhiều người dân lo lắng đối với thực phẩm được nhập khẩu từ Nhật Bản, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Nói chung các sản phẩm chủ yếu của Nhật Bản như thịt gia súc, hải sản, nước giải khát thì chúng ta không nhập khẩu qua đường chính ngạch, ngoại trừ vài thương hiệu sữa bột như Morinaga, Fiji, rượu Sake, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Tuy nhiên, qua đường tiểu ngạch có một số sản phẩm như tảo biển, sụn cá mập, bia. Ngoài ra, tại một số nhà hàng Nhật Bản đặt tại Việt Nam (chủ yếu là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang) đôi khi chủ nhà hàng nhập nguồn thực phẩm trực tiếp từ nước Nhật, như thịt bò, Sushi, Sashimi, rau cải, củ hoặc lá wasabi... Nói chung về mặt an toàn thực phẩm, chúng ta cũng không quan ngại lắm, vì các sản phẩm nầy đã được kiểm soát chặt chẽ trước khi vào Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết