27/06/2015 - 18:22

Không lo “sốt” ảo?

Thị trường bất động sản (BÐS) đã "tan băng", đang trên đà hồi phục... là những nhận định đã trở nên quen thuộc với giới đầu tư cũng như những người quan tâm đến BÐS thời gian qua, nhất là tại các thành phố lớn trong cả nước, trong đó có TP Cần Thơ. Và theo ghi nhận chung, thị trường BÐS đang "ấm" lên với lượng giao dịch thành công tăng mạnh kể từ đầu năm 2014 đến nay.

Tại một số dự án cao cấp ở TP Hồ Chí Minh, có giá trung bình trên dưới 40 triệu đồng/m2 được mở bán từ cuối năm 2014, đầu năm 2015, đã bắt đầu xuất hiện mức tăng giá 3-5 triệu đồng/m2. Nhiều dự án đất nền được các nhân viên môi giới, sàn giao dịch đẩy giá bán 10-20% mỗi sản phẩm, tăng vào khoảng vài trăm triệu đồng, bằng các chiêu tạo sự "khan hàng giả", kích thích tâm lý người mua. Chẳng hạn, bằng cách tổ chức các buổi đặt mua với số tiền đặt cọc nhỏ trước khi mở bán dự án chính thức, chủ đầu tư sẽ nắm được số khách hàng thực sự có nhu cầu cần mua dự án của mình. Sau đó, khi mở bán chính thức, họ sẽ đưa ra một lượng hàng nhỏ hơn số lượng đã được thăm dò để có được kết quả "bán hết hàng ngay trong ngày đầu mở bán". Từ đó, những khách hàng có nhu cầu mà chưa mua được sẽ tìm cách mua bằng được căn hộ tại dự án đó ở những đợt mở bán sau, dù giá có tăng lên. Chưa kể, các chủ đầu tư còn có "chiêu" huy động các sàn giao dịch cùng nhảy vào "ôm" sản phẩm của các dự án trước ngày mở bán. Đến ngày mở bán thì chủ đầu tư công bố đã bán hết hàng, nhưng thực ra sản phẩm đang nằm trong tay các sàn, từ đó các sàn này lại tiếp tục bán cho khách hàng để hưởng chênh lệch…

 Khách hàng tham quan Chung cư thương mại cao cấp Cadif - Hưng Phú 1 vừa mới mở bán. Ảnh: Thiện Khiêm

Tại TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, theo ghi nhận của các công ty, sàn giao dịch BĐS, nhu cầu mua nhà, đất của người dân tăng đáng kể. Tại một số dự án như: Khu dân cư Hưng Phú 1, khu đô thị Mỹ Hưng, khu dân cư Nam Long… thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ, quận Cái Răng giao dịch tăng rất mạnh, đặc biệt là đất nền đã có đầy đủ cơ sở pháp lý (giấy đỏ). Cá biệt, có một vài công ty môi giới nhà, đất thành công đến 20-25 sản phẩm mỗi tháng. Còn tại các dự án khu dân cư trên địa bàn quận Ninh Kiều giao dịch càng sôi động hơn, như khu dân cư Hồng Phát, khu tái định cư Thới Nhựt; các khu đất nền tự phân lô thuộc khu vực các phường nội ô… giao dịch rất thuận lợi.

Tuy nhiên, trong hai phiên họp thường kỳ Chính phủ vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở các bộ, ngành liên quan lưu ý không để tình trạng "bong bóng" BĐS quay trở lại. Điểm qua những diễn biến thực tế của thị trường này trong thời gian gần đây cũng như trong quá khứ, cảnh báo trên không phải là ngẫu nhiên. Nhưng theo quan điểm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường đã "thanh lọc" những doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", thiếu chuyên nghiệp, vốn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản thời gian qua. Những doanh nghiệp còn trụ lại thị trường hiện nay có năng lực thực sự và có tầm nhìn dài hạn, đã biết đầu tư vào các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của thị trường hơn. Thực tế, lượng giao dịch thành công từ đầu năm 2015 đến nay tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước đó chủ yếu rơi vào phân khúc nhà đất có giá trung bình, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu ở. Theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng lượng tồn kho BĐS hiện nay giảm mạnh so với năm 2013.

Tuy nhiên theo nhận xét của lãnh đạo của một số doanh nghiệp địa ốc có nhiều năm kinh nghiệm, hiện tượng đầu cơ nhà, đất chưa có dấu hiệu quay trở lại rõ rệt. Và khi nếu những dấu hiệu này manh nha, thì những lưu ý đến các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm soát thị trường BĐS, tránh tình trạng "bong bóng", phát triển không lành mạnh như đã từng xảy ra trước đây từ Chính phủ là kịp thời và cần thiết.

T.K - V.K.K

Chia sẻ bài viết