08/04/2008 - 09:17

Không được chủ quan với dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người

Cùng với dịch tiêu chảy cấp đang tái phát, trong những tháng đầu năm 2008, dịch cúm gia cầm (CGC) và cúm A (H5N1) ở người cũng đã quay trở lại ở nhiều địa phương. Các cơ quan chức năng ở TP Cần Thơ đã triển khai những giải pháp gì để kiểm soát, ngăn chặn dịch CGC tái phát, lây lan? Sau đây là ý kiến của ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, và ông Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế, về vấn đề này.

Ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ:
NGƯỜI DÂN CẦN HỢP TÁC TỐT VỚI CÁN BỘ THÚ Y ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM

Từ tháng 6-2007 đến nay, ở Cần Thơ không có ổ dịch CGC nào mới xảy ra. Tuy nhiên, gần đây, một số tỉnh, thành xung quanh Cần Thơ đã tái phát dịch CGC. Qua xác minh, dịch tái phát đa số trên các hộ nuôi mới hoặc tái đàn mà không báo cho thú y tiêm phòng.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số quận, huyện trên địa bàn thành phố chưa kiên quyết xử lý triệt để tình trạng giết mổ gia cầm để kinh doanh không qua kiểm dịch của thú y. Một số người dân không chấp hành các qui định về công tác phòng chống dịch như: tiêm phòng; nuôi mới thủy cầm; vận chuyển vịt chạy đồng; sử dụng con giống không có nguồn gốc rõ ràng... Trước tình hình này, Chi cục Thú y xác định nguy cơ tái phát dịch CGC ở TP Cần Thơ khá cao.

Cán bộ thú y Trạm Kiểm dịch động vật Cầu Bắc đang kiểm tra 1 xe vận chuyển gia cầm vào địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh chụp lúc 18 giờ 55 phút ngày 4-4-2008. Ảnh: ANH KHOA. 

Để chủ động khống chế dịch bệnh, Chi cục đã triển khai các biện pháp phòng chống sau: Nếu có phát sinh ổ dịch mới thì hủy toàn bộ số gia cầm tại hộ có dịch và các hộ xung quanh; tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh ổ dịch; lấy mẫu gởi cơ quan thú y vùng VII xét nghiệm; tiêm phòng bao vây ổ dịch; lập chốt kiểm dịch kiểm soát không cho vận chuyển gia cầm ra, vào vùng dịch; tăng cường việc kiểm soát vận chuyển, mua bán và giết mổ gia cầm.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục giám sát chặt chẽ và thực hiện tiêm phòng triệt để cho gia cầm nuôi; tiếp tục vận động cơ sở chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêu độc thường xuyên nơi buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm. Song song đó, chúng tôi phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác kiểm dịch gia cầm và sản phẩm gia cầm; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ gia cầm.

Chúng tôi khuyến cáo người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi, không nên chủ quan trước dịch bệnh, cần tuân thủ chặt chẽ qui định của ngành thú y và hợp tác tốt với cán bộ thú y địa phương trong công tác phòng chống dịch CGC.

Ông Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ:
CÁC BỆNH VIỆN LUÔN SẴN SÀNG CẤP CỨU VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH CÚM A (H5N1)

Tính từ đầu năm 2004 đến năm 2007, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã điều trị 9 ca viêm phổi nặng, trong đó xác định dương tính với H5N1 là 2 ca (đều ở tỉnh khác chuyển đến). Thời gian qua, dù trên địa bàn TP Cần Thơ không có người nhiễm cúm A (H5N1) nhưng chúng tôi không chủ quan. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng cấp cứu khi có trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) nhập viện tại các bệnh viện ở thành phố.

Trong điều trị cúm A (H5N1), ngành y tế thực hiện theo quan điểm 3 tại chỗ: người tại chỗ, phương tiện tại chỗ và điều trị tại chỗ. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị kiện toàn và duy trì hoạt động ban chỉ đạo chống dịch từng đơn vị; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc chẩn đoán, điều trị, tăng cường chỉ đạo tuyến; các bệnh viện tổ chức tốt khu vực cách ly điều trị; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc... để chủ động điều trị; củng cố các đội thường trực cấp cứu cơ động để kịp thời hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Ngoài ra, các bệnh viện cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng, các ngành có liên quan tăng cường giám sát dịch tễ, truyền thông giáo dục sức khỏe để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp bệnh đầu tiên.

HUỆ HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết