16/02/2008 - 09:03

Khơi mào cuộc chạy đua thống trị không gian?

Tên lửa Mỹ bắn đi từ một tàu chiến. Ảnh: AP

Lầu Năm Góc sẽ bắn hạ vệ tinh do thám L-21 bị hỏng hóc trong vài tuần tới theo sắc lệnh của Tổng thống George Bush nhằm bảo vệ sinh mạng con người - Tướng James Cartwright, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết ngày 14-2. Theo kế hoạch, phương án bắn hạ vệ tinh trị giá hàng trăm triệu USD này sẽ được hoàn tất trong 3-4 ngày tới trong khi các phương án dự phòng cũng sẽ sẵn sàng trong vòng 7-8 ngày sau.

Theo Phó cố vấn an ninh quốc gia James Jeffrey, vệ tinh L-21 nặng khoảng 2.270 kg và có kích thước bằng một chiếc xe buýt, được phóng lên quỹ đạo tháng 12-2006 nhưng sau đó bị mất năng lượng và máy tính điều khiển bị hỏng nên vượt ngoài tầm kiểm soát dưới mặt đất. Ông Jeffrey giải thích nếu không bắn rơi vệ tinh này thì nhiều khả năng nó sẽ tự đâm thẳng xuống bề mặt Trái đất vào tuần lễ đầu tiên của tháng 3 tới. Điều nguy hiểm là nó có thể gây tổn thương hoặc thậm chí tử vong những người không may đứng gần chỗ nó rơi xuống do hít phải chất độc hydrazine bị rò rỉ.

Các quan chức quân sự Mỹ cho biết nhiệm vụ bắn hạ vệ tinh L-21 sẽ do tên lửa Standard 3 được cải tiến thực hiện. Sứ mạng nguyên thủy của tên lửa này chỉ nhằm bắn rơi tên lửa đạn đạo, nhưng nhờ được gắn thêm một phần mềm đặc biệt nên bộ phận cảm biến của tên lửa có thể nhận biết được vệ tinh cần triệt hạ. Ngoài ra, tên lửa này còn được nâng cấp tầm bắn vì nếu không nó chẳng thể vươn tới mục tiêu đang bay trên quỹ đạo thông thường. Standard 3 sẽ được phóng đi từ tuần dương hạm “USS Lake Erie” có trang bị hệ thống radar Aegis hiện đại và được hai tàu chiến hải quân khác theo dõi thông tin và dự bị.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng quyết định tiêu hủy vệ tinh sắp bị rơi xuống Trái đất có thể là cách mà Lầu Năm Góc muốn bảo vệ những thông tin mật của vệ tinh do thám này, đồng thời chứng tỏ khả năng tấn công không gian trước đối thủ Trung Quốc, nước hồi đầu năm 2007 từng sử dụng tên lửa để bắn hạ một vệ tinh dự báo thời tiết đang bay trên quỹ đạo cách mặt đất khoảng 1.000 km. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ tiến hành một biện pháp chống vệ tinh như vậy kể từ những năm 1980, trong khi Nga ngừng các hoạt động này cách đây 20 năm.

Mới đây, do lo sợ Mỹ sẽ thúc đẩy các nỗ lực thống trị không gian bằng vũ khí hiện đại, Nga và Trung Quốc cùng đề xuất một hiệp ước quốc tế phi vũ trang hóa không gian (trong đó có cấm các vũ khí tấn công vệ tinh) nhưng lập tức bị Mỹ bác bỏ. Trong bối cảnh như vậy, các nhà phân tích hoàn toàn có lý khi cho rằng quyết định bắn hạ vệ tinh tình báo bằng tên lửa của Washington sẽ khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp từ Reuters, AP, AFP)

Chia sẻ bài viết