22/05/2022 - 14:22

Khoảng trống quyền lực ở châu Âu 

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga phát động tại Ukraine và phản ứng rụt rè của Ðức đối với cuộc chiến đang tạo ra khoảng trống quyền lực ở châu Âu.

Bản đồ địa chính trị thay đổi

Vào đầu năm 2022, tương lai của châu Âu dường như nằm trong tay của Ðức và Nga. Thế nhưng, cuộc chiến tại Ukraine đã làm thay đổi bản đồ địa chính trị của lục địa già. Theo đó, trong khi Ðức và Nga mất dần quỹ đạo kiểm soát, Anh và Ba Lan cùng với một số quốc gia Trung Âu khác cũng như các nước Baltic đang trỗi dậy, tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mát-xcơ-va và Berlin bỏ lại bằng cách nỗ lực tiếp cận với cuộc chiến tại Ukraine. Trong khi đó, Mỹ dù miễn cưỡng “trở lại” nhưng đang đưa thêm quân tới khu vực biên giới giáp với Ðông Âu và từ từ đưa các lô vũ khí tới Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) không thể ngăn nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Ảnh: AP

Trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Mát-xcơ-va đã từng bước khôi phục ảnh hưởng đối với châu Âu kể từ sau Chiến tranh lạnh. Xứ bạch dương công khai can thiệp vào chính trị của một số nước châu Âu bằng cách tài trợ cho các đảng chính trị dân túy, truyền bá thông tin sai lệch thông qua mạng xã hội cũng như tài trợ cho hàng loạt cựu lãnh đạo châu Âu. Ðặc biệt, Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng không thể thiếu đối với các nước châu Âu, thúc đẩy nền kinh tế Ðức bằng chính loại khí đốt giá rẻ của mình.

Thế nhưng, nỗ lực chinh phục Ukraine về mặt quân sự và khôi phục địa vị cường quốc của Nga ở châu Âu đã khiến ngay cả những người ủng hộ Mát-xcơ-va nhiệt tình nhất ở châu Âu cũng phải quay lưng và cô lập Nga. Chỉ những nhân vật như cựu Thủ tướng Ðức Gerhard Schröder, người giàu lên nhờ tiền của Nga, mới có thể tiếp tục công khai việc ủng hộ khôi phục mối quan hệ tốt đẹp với Mát-xcơ-va.

Không riêng gì Nga, Ðức cũng cùng chung số phận. Nền kinh tế Ðức giữ vai trò quan trọng đối với các nước khu vực đồng euro, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các quyết định của Berlin về nhập cư, năng lượng, chính sách tài khóa và ngoại giao đã bị chỉ trích nhưng rất ít quốc gia châu Âu mạnh mẽ lên tiếng phản đối nền kinh tế lớn nhất lục địa này. Tuy nhiên, Berlin hiện đang bị các quốc gia châu Âu gạt bên lề trong cuộc đối đầu với Nga. Mặc dù Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cam kết sẽ gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng nhưng lại lưỡng lự trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, bởi Ðức được cho sợ Nga trả đũa. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Ðức sẽ tiếp tục khuyên giải Nga và mua khí đốt giá rẻ của nước này.

Ai sẽ chi phối châu Âu?

Trong bối cảnh trên, Pháp được tin sẽ lên nắm quyền chi phối châu Âu. Thế nhưng, nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc thuyết phục ông Putin thay đổi ý định lại thất bại. Không những vậy, Pháp cũng tự xa lánh mình với các cường quốc châu Âu khác, ngoại trừ Ý.

Ngược lại, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine đã tạo cơ hội cho Anh và Ba Lan thể hiện vai trò lãnh đạo. Trong khi Anh hồi cuối tháng 1 là một trong những quốc gia đầu tiên chuyển lượng lớn vũ khí chống giáp cho Ukraine, Ba Lan cũng đang nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine, gồm cả xe tăng, đồng thời đóng vai trò là trung tâm hậu cần tiếp tế cho phương Tây và tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine. Ðể bày tỏ sự ủng hộ đối với Kiev, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và người đồng cấp Anh Boris Johnson thậm chí còn có chuyến thăm tới Ukraine.

Nhưng câu hỏi quan trọng mà châu Âu phải đối mặt trong tương lai là Luân Ðôn sẽ đóng vai trò gì trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và đặc biệt là Ba Lan sẽ đóng vai trò gì trong cả NATO và Liên minh châu Âu. Hải quân sẽ vẫn là sở trường của xứ sương mù trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương ngày càng nóng lên. Còn đối với Ba Lan, bộ binh sẽ là trung tâm sức mạnh quân sự của nước này. Tuy nhiên, không ai trong số 2 nước này có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo ở châu Âu mà không có sự tán thành và hỗ trợ vật chất từ Mỹ cho việc tái cấu trúc châu Âu.

Về phần mình, Mỹ cũng đang muốn “trở lại” châu Âu. Ðến nay, Washington đã đưa khoảng 20.000 quân trở lại châu Âu, chủ yếu là đến các quốc gia tuyến đầu phía Ðông NATO như Romania, Ba Lan và các nước vùng Baltic. Trong khi đó, vũ khí của Mỹ liên tục tràn vào Ukraine. Ðặc biệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm tới Ba Lan và không chỉ trích các chính sách bảo thủ của Warsaw. Song, vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu Mỹ có tái khẳng định quyền lực ở châu Âu hay không. Theo giới phân tích, Mỹ vẫn còn là một cường quốc không thể thiếu đối với châu Âu nhưng cần phải hành động thông qua các đối tác khu vực.

Tổng thống Pháp Macron từ lâu thể hiện mình là nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt châu Âu khi bình luận rằng NATO đang “chết não” và kêu gọi xây dựng nền độc lập, chủ quyền, tự chủ chiến lược của châu Âu trước các thách thức mới, thay vì phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine có thể khiến châu Âu phụ thuộc hơn vào NATO do Mỹ chi phối.

TRÍ VĂN
(Theo 19fortyfive, Foreignpolicy)

Chia sẻ bài viết