Cuộc biểu tình gây chết người ở vương quốc Bahrein - tâm điểm mới của làn sóng biểu tình lật đổ đang lan rộng khắp thế giới A-rập và Trung Đông sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền ở Tunisie và Ai Cập một lần nữa được coi là hồi chuông cảnh báo đối với các vương quốc còn lại trong khu vực giàu dầu mỏ này là Arabie Séoudite, Koweit, Oman, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Qatar.
Khaled Dakheel, nhà khoa học và bình luận chính trị ở Arabie Séoudite, cho rằng dù các quốc gia Vùng Vịnh có thể sử dụng nguồn thu nhập khổng lồ từ dầu mỏ và dịch vụ khác để giải quyết các vấn đề xã hội như thất nghiệp đi chăng nữa thì cũng khó mà “miễn nhiễm” trước làn sóng phẫn nộ đòi cải cách chính trị trong thế giới A-rập. Nhà phân tích chính trị ở UAE, bà Ibtisam Al-Ketbi, cũng có chung nhận định như vậy và cho biết các lực lượng chính trị ở nhiều quốc gia Vùng Vịnh từ lâu đã không có cơ hội phát triển tốt và không đủ khả năng thúc đẩy sự thay đổi nếu không có điều kiện bùng nổ như hiện nay.
Trong 6 nền quân chủ còn lại ở Vùng Vịnh, chỉ có Koweit là nước có quốc hội hưởng quyền lập pháp thông qua bầu cử, nên những người ủng hộ ca tụng đây là một mô hình dân chủ của chế độ quân chủ lập hiến. Tuy nhiên, do quyền lực tập trung nên không tránh khỏi tình trạng lộng quyền, tham nhũng trong một bộ phận quan chức, làm tổn hại uy tín của chính phủ. Sự bất mãn kéo dài trong dân chúng đã bùng phát thành cuộc biểu tình của hàng trăm thanh niên trí thức Koweit đòi giải tán chính phủ hôm 15-2 vừa qua.
Với Arabie Séoudite, các nhà phân tích cho rằng tình trạng của nước này cũng chẳng khác gì của Bahrein. Người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số nhưng không có quyền chính trị và thiếu lợi ích kinh tế. Sự phân biệt đối xử với người Shiite có thể là nguyên nhân gây bất ổn tại quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này. Hiện nay, quyền lực được chia sẻ ở Arabie Séoudite chỉ thông qua một hội đồng cố vấn do chính Quốc vương Abdullah, người theo đạo Hồi dòng Sunni, chỉ định.
Hệ thống chính trị Qatar cũng giống với Arabie Séoudite. Oman thì có một ủy ban cố vấn thông qua bầu cử, trong khi UAE từ mấy năm nay đã cho phép bầu cử gián tiếp phân nửa thành viên hội đồng cố vấn.
Tình hình an ninh chính trị ở các quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ và đồng minh phương Tây. Sự bất ổn nếu diễn ra ở những nước này không chỉ đe dọa lợi ích của Mỹ và phương Tây mà còn tác động tiêu cực tới cục diện an ninh-kinh tế toàn cầu. Koweit tuy nhỏ nhưng có trữ lượng dầu mỏ chiếm 10% hành tinh, đồng thời nơi mà người lao động và kinh doanh nước ngoài chiếm tới 55% trên tổng dân số chỉ có 3 triệu người của nước này. Arabie Séoudite với dân số hơn 25,7 triệu người có trữ lượng dầu mỏ chiếm hơn 1/5 địa cầu, có nền kinh tế lớn nhất trong thế giới A-rập với GDP cao hơn gấp 6 lần Ai Cập.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)