22/06/2021 - 19:20

Khó cứu thỏa thuận hạt nhân Iran? 

TTH -

Tổng thống đắc cử của Iran Ebrahim Raisi ngày 21-6 khẳng định ông sẽ không gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden cho dù có cơ hội, cũng như không đàm phán về các hoạt động trong khu vực và chương trình tên lửa đạn đạo của Cộng hòa Hồi giáo.

Ông Raisi kêu gọi Mỹ phải ngay lập tức quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt. Tổng thống đắc cử Iran cũng nói rõ chương trình tên lửa đạn đạo và sự ủng hộ của nước này đối với các nhóm dân quân tại Trung Ðông là điều không thể thương lượng. Trong khi đó, Mỹ yêu cầu những vấn đề này phải được đề cập trong các cuộc đàm phán về triển vọng quay trở lại JCPOA.

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo hôm 21-6. Ảnh: Xinhua

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo hôm 21-6. Ảnh: Xinhua

Những tuyên bố trên được ông Raisi đưa ra tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran hồi tuần rồi. Ông Raisi, nhân vật chỉ trích phương Tây gay gắt, sẽ thay Tổng thống Hassan Rouhani vào ngày 3-8 tới. Vị Bộ trưởng Tư pháp 60 tuổi này là đồng minh thân cận của Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và có quan điểm cứng rắn hơn nhiều so với ông Rouhani, một người ôn hòa ủng hộ đàm phán với phương Tây.

Ông Raisi đắc cử trong bối cảnh Tehran đang tìm cách cứu vãn JCPOA và loại bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018 rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt vì cho rằng thỏa thuận không ngăn được Iran sở hữu bom hạt nhân. Kể từ đó, Tehran cũng dần thu hẹp các cam kết của mình. Nếu Washington và Tehran quay trở lại JCPOA, Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Iran, đổi lại Iran phải cắt giảm đáng kể chương trình hạt nhân. Tehran hiện làm giàu uranium ở mức 63%, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, JCPOA quy định Iran làm giàu uranium ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

Từ tháng 4 vừa qua, các cuộc thảo luận của Ủy ban chung giám sát JCPOA đã khởi động tại Vienna (Áo), với sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ðức và Liên minh châu Âu, nhằm làm cầu nối giữa Tehran và Washington để đưa cả hai nước trở lại tuân thủ thỏa thuận. Nhờ các cuộc thảo luận của ủy ban này, các cường quốc thế giới và Tehran đã bắt đầu đàm phán về việc hồi sinh JCPOA, trong đó Mỹ và Iran đàm phán gián tiếp. Vòng đàm phán thứ sáu đã được nối lại tại Vienna ngày 12-6.

Dù vậy, cuối tuần qua, vòng đàm phán đã phải tạm dừng để các bên về nước tham vấn và có thể là lần cuối để đưa ra quyết định. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi hôm 21-6 cho biết: “Chúng tôi đang tiến gần đến một thỏa thuận hơn bất cứ lúc nào trong quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã đạt được. Công việc còn lại vẫn còn nhiều khó khăn”.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Raisi lại không bày tỏ sự lạc quan như ông Araqchi. Ông Raisi nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào đảm bảo lợi ích quốc gia chắc chắn sẽ được ủng hộ, nhưng Iran sẽ không cho phép các cuộc đàm phán chỉ để đàm phán.

Giới chức Iran và phương Tây cho rằng việc ông Raisi đắc cử không có khả năng làm thay đổi lập trường của Tehran trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA bởi lãnh tụ Khamenei mới là người có tiếng nói quyết định.

HẠNH NGUYÊN (Theo Newsweek)

Chia sẻ bài viết