06/02/2023 - 22:17

Khinh khí cầu Trung Quốc chia rẽ nội bộ Mỹ 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Vụ khinh khí cầu Trung Quốc “bay lạc” tới gần các căn cứ hạt nhân của Mỹ đang dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa ở Washington về cách xử lý vấn đề của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cũng như câu hỏi quan hệ song phương bị ảnh hưởng như thế nào.

Người dân Mỹ theo dõi khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi. Ảnh: Reuters

Cuối tháng rồi, một khinh khí cầu Trung Quốc kích thước bằng 3 chiếc xe buýt được phát hiện trôi nổi trên bầu trời Bắc Mỹ ở độ cao hơn 18km. Giới quan chức quân sự Mỹ ban đầu đánh giá thấp tác động của nó đối với an ninh quốc gia, nhưng sau 7 ngày theo dõi khí cầu bay về phía Canada và quành về không phận bang Montana, Tổng thống Biden đã ra lệnh bắn hạ vật thể nói trên khi Lầu Năm Góc cảnh báo khí cầu bay qua một số địa điểm quân sự nhạy cảm.

Hải quân Mỹ đã được huy động để trục vớt các mảnh vỡ khinh khí cầu ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina. Ðô đốc Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hy vọng việc thu thập diễn ra nhanh chóng để đưa về phòng thí nghiệm Cục Ðiều tra Liên bang phân tích, giúp hiểu rõ hơn về khả năng gián điệp của Trung Quốc. Trước đó, Lầu Năm Góc chỉ mới xác định vật thể này là “khí cầu giám sát tầm cao” và Washington đã thực hiện các bước cần thiết ngăn chặn nó thu thập thông tin.

Đảng Cộng hòa công kích ông Biden

Theo lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Chuck Schumer, chính quyền Tổng thống Biden đã đúng đắn khi điều máy bay chiến đấu F-22 bắn rơi khinh khí cầu. Ðộng thái trên không chỉ là lựa chọn an toàn nhất cho người dân, tối đa hóa lợi ích thông tin tình báo mà còn gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, đó là sự việc lần này “không thể chấp nhận được”. Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện cho biết thêm, Nhà Trắng đang xem xét các biện pháp đối phó Trung Quốc vì “những hoạt động trắng trợn của họ”.

Các tuyên bố được đưa ra nhằm đáp trả chỉ trích bị cho là “mang tính chính trị” của phe Cộng hòa, rằng chính quyền Tổng thống Biden “thiếu quyết đoán” trong nhìn nhận sự việc lúc ban đầu, dẫn tới phản ứng quá muộn. Nói với Hãng tin CNN, Phó Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Marco Rubio mô tả việc khinh khí cầu đi vào không phận Mỹ là “nỗ lực trắng trợn” của Bắc Kinh hòng phá hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và làm bẽ mặt Tổng thống Biden trước khi ông có bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 8-2. Ngoài ra, ông Rubio cùng một số quan chức khác quan ngại sự chậm trễ của Tổng thống Biden trong cảnh báo công chúng cũng như để cho thiết bị này hoàn thành sứ mệnh do thám mới bắn hạ, phản ánh “sự sao nhãng nhiệm vụ” của người đứng đầu chính phủ.

Trung Quốc phản ứng mạnh

Sự việc khinh khí cầu bị nghi do thám đang khiến quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng. Theo các quan chức, chính quyền Tổng thống Biden không thông báo trước cho Trung Quốc về kế hoạch bắn hạ khinh khí cầu. Ðộng thái này cùng quyết định của Nhà Trắng hủy bỏ chuyến thăm đại lục theo kế hoạch của Ngoại trưởng Blinken, dẫn tới việc Bắc Kinh đột ngột thay đổi thái độ từ “lấy làm tiếc về sự cố” sang đe dọa trả đũa.

Theo một số chuyên gia, phản ứng của Trung Quốc phản ánh bản chất “mong manh” của mối quan hệ song phương. Câu hỏi bây giờ là liệu cả hai có thể tìm cách hạ nhiệt mà không khiến tình hình xấu hơn hay không. Hiện quan hệ Mỹ - Trung nhìn như khó tiến triển, nhưng hai bên đều có lý do để gác lại vụ việc. Song, việc hòa giải sẽ gặp nhiều thách thức khi Bắc Kinh vừa hy vọng tiếp tục làm việc với Mỹ, lại vừa muốn củng cố sự ủng hộ trong nước và duy trì tính nhất quán về bản chất dân sự của sự việc. Ngược lại, Tổng thống Biden đang đứng trước lời kêu gọi lưỡng đảng thể hiện sức mạnh với Bắc Kinh; cũng như áp lực giải quyết các mối quan tâm nội bộ.

Chia sẻ bài viết