25/03/2020 - 10:12

Khi vợ chồng là đồng phạm

Người ta thường nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Nhưng điều này chỉ đúng khi áp dụng làm việc tốt, cần sự chung sức đồng lòng để có thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Còn đối với sự sai trái, vi phạm pháp luật, thì sự đồng thuận giữa vợ chồng thật tai hại. Bởi nó khiến người trong cuộc thêm mù quáng, thiếu suy nghĩ, gây hậu quả nặng nề hơn.

Tòa án nhân dân TP Cần Thơ vừa xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Hồ Thị Hứa bị tuyên phạt 17 năm tù và chồng là Nguyễn Văn Quắn (cùng 54 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) bị phạt 13 năm tù. Quá trình phạm tội của vợ chồng Hứa thật đáng trách. Nếu ngay từ đầu thấy người kia sai, người còn lại khuyên nhủ, không a dua, xúi giục thì sự việc không nghiêm trọng đến mức phải tan nhà nát cửa.

Năm 2007, vợ chồng Hứa làm nghề kinh doanh lúa, gạo. Do thiếu vốn mua bán, cả hai mượn tiền của bà K.L. (chủ doanh nghiệp tư nhân ở quận Thốt Nốt) với hình thức tạm ứng trước tiền của bà L. mua lúa, sau đó xay xát giao lại tấm, cám. Từ cuối tháng 7-2012 đến tháng 10-2012, Hứa và Quắn tạm ứng của bà L. trên 1,9 tỉ đồng và có giao một phần gạo, tấm. Dù chưa giao đủ hàng nhưng cả hai tiếp tục bàn bạc, giới thiệu một số loại gạo, tấm nữa. Bà L. tin tưởng, trả trước số tiền trên 2,4 tỉ đồng để mua thêm. Nhưng vợ chồng Hứa chỉ giao một phần hàng hóa, rồi rắp tâm chiếm đoạt của bà L. trên 2 tỉ đồng. Ngoài ra, Hứa và Quắn còn mượn tiền nhiều người  ở quận Thốt Nốt trên 400 triệu đồng nhưng không trả, sau đó bỏ trốn.

Ngày 10-10-2013, Công an TP Cần Thơ ra quyết định truy nã, đến cuối tháng 7-2019, bắt được vợ chồng Hứa tại TP Hồ Chí Minh. Suốt 7 năm qua, vợ chồng Hứa dẫn con theo, đi làm thuê, không về quê và cũng không khắc phục hậu quả cho bị hại. Thậm chí, cả hai còn bao che cho nhau, thay đổi họ tên, sử dụng biển số xe giả, đổi chỗ ở liên tục để tránh bị phát hiện. Đến khi công an bắt vẫn không chịu thừa nhận, phải cho người nhận diện. Trong phiên tòa ngày 18-3, Quắn đổ hết lỗi cho vợ, biện bạch: “Bị cáo chỉ lo đi mua lúa gạo, không biết gì đến việc giao dịch, nợ nần tiền bạc của vợ”. Còn Hứa cũng chối tội: “Thời gian lâu quá, bị cáo không nhớ chính xác tiền vay mượn thế nào, thiếu bao nhiêu?”. Bà K.L. cho rằng lời khai của vợ chồng Hứa không đúng, mọi việc làm ăn có sổ sách, chứng từ đối chiếu đàng hoàng và yêu cầu trả lại tiền.

Theo Hội đồng xét xử, các bị cáo phạm tội nhiều lần, xem thường pháp luật, còn bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra nên tuyên mức án nghiêm khắc để răn đe. Ngoài hình phạt tù, vợ chồng Hứa còn phải khắc phục trên 2,4 tỉ đồng cho các bị hại.

Vụ án chống người thi hành công vụ mà Tòa án nhân dân TP Cần Thơ xử phúc thẩm vào cuối tháng 2 vừa qua, cũng là bài học thấm thía cho những cặp vợ chồng dung túng cái sai của nhau. Bị cáo Nguyễn Thị Phượng (60 tuổi) cùng chồng là Phạm Văn Rê (57 tuổi, cùng ngụ huyện Phong Điền) ở lứa tuổi đáng lẽ vui vầy cùng con cháu thì lại phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật.

Ngày 5-10-2018, Tổ công tác thuộc UBND huyện Phong Điền thực hiện nhiệm vụ xác định ranh giới đất giữa hai bị cáo với bà H. (người địa phương). Tổ công tác giải thích quyền và nghĩa vụ, đồng thời yêu cầu hai bị cáo và gia đình chấp hành cho tổ tiến hành cắm ranh đất. Tuy nhiên, khi tổ làm nhiệm vụ, hai bị cáo đã lớn tiếng phản đối, có lời lẽ xúc phạm, giật thước dây của thành viên đo đạc. Phượng cầm dao uy hiếp, đe dọa nếu tổ công tác thực hiện việc cắm ranh đất thì bị cáo sẽ tự tử. Rê thì cầm cây leng đi theo, nếu tổ cắm ranh thì sẽ đào lên, cắm lại. Trước hành vi chống đối quyết liệt, cản trở của hai bị cáo, tổ công tác không thực hiện được nhiệm vụ, lập biên bản vụ việc. Tháng 11-2019, Tòa án nhân dân huyện Phong Điền tuyên phạt mỗi bị cáo một năm tù giam về tội chống người thi hành công vụ. Cả hai kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong phần thẩm vấn, bị cáo Phượng buồn bã nói: “Giờ bị cáo thấy sai rồi, không cản việc cắm ranh nữa!”. Nói lời sau cùng, hai vợ chồng xin cho hưởng án treo để được ở nhà làm ăn vì gia cảnh nghèo khó, lớn tuổi. Xét các bị cáo đã nhận thức được vụ việc, ăn năn hối cải, bị cáo Phượng có khả năng cải tạo ở ngoài nên cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, cho bị cáo Phượng hưởng án treo, bị cáo Rê y án.

Giá như ngay từ đầu biết chồng có ý định chống đối, bị cáo Phượng nên phân tích phải trái. Đằng này còn hợp sức làm chuyện không hay, gây mất an ninh trật tự địa phương. Đến lúc trả giá thì ăn năn đã muộn.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết