07/11/2020 - 09:33

Khi vaccine trở thành công cụ ngoại giao 

Trong báo cáo mới đây, tờ Nikkei Asia chỉ ra những lợi thế mà Trung Quốc có được trong việc phát triển vaccine phòng COVID-19, cả về mặt chuyên môn y tế lẫn gầy dựng ảnh hưởng.

Vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc hiện rất được các quốc gia Đông Nam Á “chuộng”. Ảnh: AP

Trong bối cảnh các nước Ðông Nam Á với số ca nhiễm SARS-CoV-2 không ngừng gia tăng đang tìm mọi cách tiếp cận vaccine, Trung Quốc nhờ có vị trí địa lý gần gũi đã “được lòng” các nước trong khu vực. Ðơn cử như tại Indonesia, Công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma đang thử nghiệm một loại vaccine mới do Hãng dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac Biotech chế tạo. Nếu thành công, vaccine này sẽ được sản xuất với số lượng lớn. Ðặc biệt, 3 công ty Trung Quốc còn cam kết cung cấp 250 triệu liều vaccine cho Indonesia.

Thỏa thuận tương tự hiện cũng đang được đàm phán ở Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc còn cam kết cho Malaysia, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar ưu tiên tiếp cận với vaccine do nước này sản xuất.

Tân Hoa xã trong tuyên bố hồi tháng trước khẳng định, Trung Quốc “sẽ không biến vaccine phòng COVID-19 thành bất kỳ loại vũ khí địa chính trị hoặc công cụ ngoại giao nào”. Tuy nhiên, thật khó tin Trung Quốc không sử dụng vaccine để thúc đẩy “thiện ý”, lợi ích hay xóa bỏ những cáo buộc rằng chính Bắc Kinh đã khiến cho COVID-19 lây lan trên toàn cầu.

Trong chuyến thăm Malaysia hồi tháng 10 nhằm quảng cáo độ tin cậy của vaccine Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cam kết cho phép Kuala Lumpur được “ưu tiên” tiếp cận với vaccine “Made in China”. Tuy nhiên, theo một quan chức Malaysia giấu tên, nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc sau đó đã kín đáo yêu cầu Malaysia thả 60 ngư dân nước này bị bắt vì xâm phạm vùng biển của Malaysia chỉ vài ngày trước khi diễn ra chuyến thăm. Chính phủ Malaysia được cho là đang xem xét yêu cầu này của ông Vương. Ðây được xem là ví dụ cho thấy Bắc Kinh sẽ tìm cách sử dụng “ngoại giao vaccine” để theo đuổi các mục tiêu khu vực rộng lớn hơn.

Hiện một số nhà lãnh đạo Ðông Nam Á, gồm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đều đang mong chờ sự xuất hiện sớm của các loại vaccine từ Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và y tế. Ông Duterte nhiều lần coi Trung Quốc cùng với Nga là nguồn cung cấp vaccine chính trong khi lên tiếng chỉ trích các quốc gia phương Tây là thiếu hành động và thiếu độ tin cậy. Ông ca ngợi Trung Quốc về các điều khoản hào phóng, trong đó có việc không đòi thanh toán trước và “tiền cọc” như các quốc gia khác. Tương tự, Tổng thống Widodo cũng đặt cược vào vaccine Trung Quốc và thúc đẩy việc đặt mua vaccine nhanh.

Rõ ràng, đại dịch đã mang đến cho Bắc Kinh cơ hội vươn mình trở thành đối tác đáng tin cậy của các quốc gia châu Á trong bối cảnh những nước trong khu vực tìm cách phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, không chịu “lép vế” trước Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ của khu vực để chống lại Bắc Kinh trong tháng 10 cũng đã có chuyến công du tới các quốc gia Ðông Nam Á. Song, nỗ lực của nhà lãnh đạo ngoại giao xứ cờ hoa hầu như đã thất bại tại Indonesia, bởi quốc gia này vốn có ác cảm với các liên minh chiến lược và vẫn duy trì chính sách trước đây với Trung Quốc, trong đó có cả vấn đề vaccine phòng COVID-19.

Giới chuyên gia dự đoán, thị trường vaccine phòng COVID-19 trong tương lai có thể mang lại mức doanh thu thường niên cho các công ty dược phẩm là hơn 10 tỉ USD, bởi mọi người sẽ phải cần tiêm vaccine phòng virus Corona hàng năm với giá trung bình 20USD/liều.

TRÍ VĂN  (Theo The Diplomat, Asia Times)

Chia sẻ bài viết