10/01/2018 - 17:00

Khi nhà ngoại giao Mỹ đi bán vũ khí! 

Trích nguồn tin từ một số quan chức Mỹ, hãng tin Reuters cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp hoàn tất kế hoạch “Buy American” (tạm dịch Mua hàng Mỹ) mới, trong đó kêu gọi sự hỗ trợ của các tùy viên quân sự cùng giới ngoại giao nước này để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vũ khí.

Tổng thống Trump đang thực hiện cam kết tranh cử bằng cách đẩy mạnh bán vũ khí trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Sáng kiến của chính quyền Trump có thể công bố vào tháng 2, nội dung tập trung vào cách tiếp cận “toàn chính phủ” nhằm nới lỏng các quy tắc trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, hướng tới mục tiêu gia tăng lợi ích kinh tế cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ vốn phải tuân thủ quy trình bị cho là quá tập trung vào vấn đề nhân quyền. Một trong những thay đổi quan trọng còn nằm ở vai trò các tùy viên quân sự và nhân viên đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới. Với cách tiếp cận chủ động hơn, nhân viên Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ được xác định là lực lượng bán hàng thay mặt cho các nhà thầu quốc phòng. Họ sẽ tích cực tham gia hoạt động xúc tiến bán vũ khí với đối tác nước ngoài, hỗ trợ giới chức cấp cao Mỹ tiến hành các thỏa thuận, đảm bảo lợi ích cho các “ông lớn” như Lockheed Martin hay Boeing.

Kế hoạch mới còn yêu cầu tái cơ cấu Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR). Đây là chính sách kiểm soát lĩnh vực xuất khẩu vũ khí quan trọng của Mỹ từ năm 1976 và hầu như không thay đổi trong hơn 30 năm qua. Theo một quan chức cấp cao Mỹ, chính phủ sẽ nới lỏng một số hạn chế về xuất khẩu khí tài quân sự, cho phép các quốc gia không phải là đồng minh hoặc đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua vũ khí dễ dàng hơn. Danh mục vũ khí bao gồm tất cả từ chiến đấu cơ, máy bay không người lái đến tàu chiến, pháo binh. Theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cách tiếp cận mới không chỉ đảm bảo lợi ích của các nhà sản xuất vũ khí trong nước, tạo việc làm cho người lao động bản xứ mà còn chia sẻ gánh nặng an ninh quốc tế giữa Mỹ với các đối tác. Tuy nhiên, việc nới lỏng quy định hạn chế xuất khẩu cũng dấy lên quan ngại về nguy cơ vũ khí chiến lược của Mỹ rơi vào tay các nhóm tội phạm hoặc khủng bố.

Hiện tại, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn chưa lên tiếng bình luận, nhưng có thông tin cho thấy dự thảo chính sách tổng thể đã hoàn thiện và cần các thành viên nội các thông qua trước khi trình lên Tổng thống.  Kể từ thời điểm công bố, sẽ có 60 ngày để đóng góp ý kiến cho dự thảo. Sau đó, chính quyền dự kiến công bố thêm nhiều chi tiết.

Theo giới quan sát, kế hoạch mới phù hợp với cam kết tranh cử của Tổng thống Trump, đó là tạo thêm việc làm tại Mỹ bằng cách thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, từ đó cắt giảm thâm hụt thương mại đang ở mức 50 tỉ USD, cao nhất trong 6 năm qua. Mặt khác, việc nới lỏng quy định xuất khẩu vũ khí còn biểu hiện chính quyền Trump đang chịu sức ép từ các nhà thầu quốc phòng trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ đối thủ Nga và Trung Quốc dù Washington vẫn đang là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ năm 2017 đã tăng lên 42 tỉ USD so với con số 31 tỉ USD năm trước đó. Cổ phiếu của 5 “đại gia” quốc phòng Mỹ gồm Lockheed Martin, Boeing, Raytheon, General Dynamics và Northrop Grumman đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua và hiện được giao dịch ở mức cao nhất hoặc xấp xỉ cao nhất mọi thời đại.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết