29/08/2014 - 20:38

Khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa

Chuyên đề “Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa” đang được giới thiệu tại Bảo tàng TP Cần Thơ thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày đến tham quan và tìm hiểu, nghiên cứu. Những bản đồ cổ có giá trị lịch sử thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tình cảm của người dân Tây Đô hướng về biển đảo cũng được khắc họa qua hình ảnh, hiện vật.

Chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý là hai yếu tố mang tính quyết định trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của một quốc gia. Những tấm bản đồ cổ do nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Nguyễn Đình Đầu sưu tầm, được giới thiệu tại chuyên đề lần này là những cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực nhất.

 Khách tham quan chiêm ngưỡng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa do thầy trò Trường Tiểu học Long Hòa 1 (quận Bình Thủy) tự làm.

Nhiều người dừng chân thật lâu bên tấm bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” do Taberd vẽ, ấn hành tại Ấn Độ, với kích thước 40x80cm. Tới thời điểm bản đồ này được xuất bản năm 1838, nước ta chưa từng có bản đồ kích thước lớn như thế. Bản đồ ghi chép đầy đủ các địa danh của nước ta, trong đó có ghi chú địa điểm “Paracel seu Cat Vang” (tức Hoàng Sa) thuộc về An Nam. Hay sớm hơn nữa là bản đồ của nhà hàng hải Diogo Ribeiro, đã xác định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Cochin (phiên âm phương Tây của nước Giao Chỉ - tên gọi nước ta thời bấy giờ) qua bản đồ được ông vẽ các năm 1525, 1527, 1529. Ngoài ra, rất nhiều bản đồ được các nhà khoa học, hàng hải… vẽ từ nhiều thế kỷ trước đều thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam như: Bản đồ Đông Ấn năm 1607 do Dojocus Hondius thực hiện, Bản đồ do Alexandre de Rhodes vẽ nước An Nam năm 1650, Bản đồ của nhà họa đồ người Bồ Đào Nha Fernào Vaz Dourado năm 1590…

Một sự thật là tất cả bản đồ chính thức của Trung Quốc xưa đều thể hiện điểm cuối là đảo Hải Nam. Trong khi đó, từ hàng chục thế kỷ trước, các bản đồ chính thống của Việt Nam đã xác lập chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyên đề trân trọng giới thiệu “Hồng Đức bản đồ” - tập bản đồ nước Đại Việt, hoàn thành vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490) dưới triều Lê Thánh Tông đã đưa biển Đông và các quần đảo trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa vào bản đồ nhà nước, làm cơ sở cho “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” và “Bình Nam đồ” ra đời. Tiếp theo đó, năm 1838, vua Minh Mạng cho vẽ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” do Phan Huy Chú vẽ, có châu phê của nhà vua, ghi chính xác tên các đảo, quần đảo như: Phú Quốc, Thổ Châu, Côn Lôn, Vạn lý Trường Sa và Hoàng Sa…

Có thể nói, đây là lần đầu tiên người dân Cần Thơ được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về chủ quyền đất nước thông qua loạt bản đồ phong phú và giá trị. Ông Phan Tấn Nam, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam TP Cần Thơ, nhận xét: “Bản đồ là hình thức để nhà nước, quốc gia xác lập chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải… Bộ sưu tập bản đồ cổ được giới thiệu lần này của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu rất có giá trị, là những chứng cứ lịch sử không thể chối cãi”.

***

Gần 100 bản đồ giới thiệu tại chuyên đề lần này đều do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dày công sưu tầm.

Nhà nghiên cứu 95 tuổi được kính trọng gọi là “người giải mã từng tấc đất xưa”, thực hiện hàng trăm công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua từng thời kỳ. Đặc biệt, hiện ông sở hữu bộ sưu tập trên 3.000 bản đồ cổ của nước ta, của Trung Quốc và nhiều nước phương Tây khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh trưng bày bản đồ cổ, Bảo tàng Cần Thơ còn dành khoảng không gian để giới thiệu về sức sống của Trường Sa hôm nay, tình cảm của người Cần Thơ hướng về biển đảo. Ai đến tham quan cũng đều muốn chụp tấm ảnh kỷ niệm bên mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa do thầy trò trường Tiểu học Long Hòa 1 (quận Bình Thủy) tự tay thực hiện. Những mảnh nhựa, đường chỉ được ghép lại chưa thật sắc sảo nhưng chính là mảnh ghép của tình yêu dành cho biển đảo quê hương. Bên cạnh đó là hình ảnh phản ánh hoạt động của Cần Thơ hướng ra biển đảo như: chương trình nghệ thuật, góp quỹ “Tấm lưới nghĩa tình”, “Góp đá xây Trường Sa”, hoạt động của lãnh đạo thành phố trong những chuyến ra thăm Trường Sa. Không gian triển lãm gây nhiều xúc động là hình ảnh Trường Sa hôm nay: người lính hải quân đang chăm chút cho những luống rau xanh mướt giữa trùng khơi, đàn trẻ thơ nô đùa dưới sân trường rợp mát tán bàng vuông cùng mái chùa Trường Sa Lớn vươn mình giữa biển cả…

Nhiều người cũng đã dừng lại thật lâu bên tập thơ “Làng Đá Tây” do Thiếu tá Phan Khắc Hành sáng tác và phổ biến trong đồng đội từ năm 2011 nhân kỷ niệm 36 năm Giải phóng Trường Sa (tháng 4-1975) và 24 năm thành lập Đảo Đá Tây (30-10-1987). Những câu thơ bình dị, giàu hình ảnh khiến người đọc không khỏi bồi hồi:

“Giữa biển cả bao la
Giữa trùng khơi sóng vỗ
Mọc lên ngôi làng nhỏ
Gọi là làng Đá Tây”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết