26/03/2023 - 07:13

Khai thác tiềm năng dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

GIA BẢO     

Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3-2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia của WB đã nhận định triển vọng trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi, nhưng đối mặt với rủi ro. Các khó khăn cả trong nước và bên ngoài đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải có những phản ứng chính sách theo cách phối hợp và dựa vào dữ liệu để ra các quyết định. Trong đó, đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng, đặc biệt là lĩnh vực chế biến chế tạo nhằm thúc đẩy công nghệ mới và đổi mới sáng tạo.

Thị trường vẫn nhiều rủi ro

Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nông sản. Trong ảnh: Xuất khẩu thanh long của một DN tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CTV

Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nông sản. Trong ảnh: Xuất khẩu thanh long của một DN tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CTV

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Khu vực nông, lâm thủy sản tăng 3,36%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%. Mức tăng của khu vực dịch vụ cũng là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra 45% GDP. Song, theo các chuyên gia của WB, điều này không đồng nghĩa với việc ngành dịch vụ có thể là động cơ tăng trưởng của nền kinh tế. Bởi năng suất lao động của khu vực dịch vụ thấp, nhiều thị trường vẫn chưa phục hồi nhu cầu và đây là trở ngại lớn nhất của ngành trong phát triển.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo WB, tăng trưởng cao nhờ một phần vào hiệu ứng xuất phát điểm thấp, tiêu dùng tư nhân trong nước phục hồi sau COVID-19 và kết quả tăng vững chắc của hoạt động chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu trong 9 tháng năm 2022. Và trong 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại vẫn giữ vị trí xuất siêu, là điểm sáng của bức tranh kinh tế. Tuy nhiên, sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… vẫn chưa bằng thời điểm năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), nên động lực từ tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa vững chắc. Các chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn biến động và phức tạp, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lãi suất cao, lạm phát tăng, các căng thẳng địa chính trị gia tăng… Những thách thức này sẽ tạo áp lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong hiện tại và giai đoạn tiếp theo. Mặc dù vậy, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, theo thống kê của các cơ quan chuyên môn Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, sức cầu tiêu dùng trong nước ở hầu hết các ngành đều ở mức thấp, nhưng sức mua đã dần cải thiện từ cuối tháng 2-2023 đến nay. Theo phản ảnh của các doanh nghiệp (DN) trong một số lĩnh vực, DN đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu mới tích cực hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nhiều hy vọng đối với việc mở cửa kinh tế trở lại của Trung Quốc sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại thời gian tới. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ vĩ mô để phục hồi, phát triển kinh tế đang được các cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai vào thực tế, cùng sự chủ động của DN… được kỳ vọng trở thành động lực để hóa giải các thách thức cho nền kinh tế.

Cần khung chính sách đồng bộ và tư duy mới

Báo cáo điểm lại của WB cũng chỉ ra rằng, trong tương lai, nếu được tận dụng hợp lý, các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng năng suất bền vững của Việt Nam và đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Bởi tất cả các nền kinh tế có thu nhập cao đều có khu vực dịch vụ lớn mang lại nguồn việc làm và giá trị gia tăng lớn nhất. Trong khi DN Việt Nam có quy mô doanh nghiệp nhỏ, hạn chế đối với thương mại dịch vụ, khả năng ứng dụng công nghệ thấp và ít liên kết liên ngành nên đã ảnh hưởng đến năng suất của ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, năng suất lao động và hiệu quả việc làm của ngành dịch vụ Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác. Mặc dù đã tăng 34,3% trong giai đoạn 2011-2019, năng suất lao động ngành dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Đơn cử, năng suất lao động ngành dịch vụ của Việt Nam là 5.000USD (USD không đổi) trên mỗi lao động vào năm 2019, vẫn thấp hơn nhiều so với các nước so sánh, gồm: Malaysia (20.900USD), Philippines (9.300USD) và Indonesia (7.300USD).

Các chuyên gia WB khuyến cáo cần có những cải cách chính sách để khai phá tiềm năng của khu vực dịch vụ nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Đơn cử như xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các DN trong nước; tập trung vào các dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng, cụ thể là lĩnh vực chế tạo chế biến. Đồng thời khuyến khích đổi mới từng bước về sản phẩm và quy trình ở cấp độ DN, áp dụng các công nghệ hiện có, bao gồm cả công nghệ kỹ thuật số; có các chính sách giúp tăng cường kỹ năng làm việc và năng lực của người lao động và người quản lý.

Năm 2023, dự báo của WB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hạ xuống mức 6,3%; tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản thấp từ hậu COVID-19 giảm dần. Động lực chính tăng trưởng là nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023. Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, do tăng trưởng yếu hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, khu vực đồng tiền chung EU. Các bất định toàn cầu cao hơn, vì vậy chính sách của Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với tiến độ phục hồi của nền kinh tế trong nước và thế giới; đồng thời phải thận trọng với các rủi ro tài chính và lạm phát.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhận định, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao đến hơn 200% GDP, nhưng tỷ trọng xuất nhập khẩu do DN đầu tư nước ngoài nắm phần chi phối (hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, từ 65-67% nhập khẩu), còn khối DN trong nước nội lực rất yếu, nên khó vượt qua các cú sốc thị trường. Trước những bất định của kinh tế toàn cầu, để tránh các rủi ro thị trường thì nền kinh tế phải có độ tự chủ cao và cần có chính sách tốt hơn để tăng cường nội lực của DN nội địa, tăng thêm các cơ hội cho họ. Thực tế, các chính sách hỗ trợ do DN trong nước tăng nội lực vẫn chưa đồng bộ, ưu đãi ít và khó tiếp cận. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng rất kém. Nên cần luật hóa việc thực thi chính sách, quy định rõ trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực thi chính sách. Khi các DN nội địa mạnh và nội lực vững vàng mới có thể tránh các rủi ro trong nền kinh tế bất định.

Chia sẻ bài viết