17/01/2008 - 22:58

Công nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Khai thác lợi thế để tăng sức cạnh tranh 

Mục tiêu đến năm 2010, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tập trung phát triển để đạt giá trị sản xuất công nghiệp 127.430 tỉ đồng, nâng tỷ trọng khu vực II chiếm 35-40%, lao động công nghiệp chiếm 20-25% trong cơ cấu kinh tế-xã hội, giá trị xuất khẩu đạt 6-7 tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL mới vượt hơn quá nửa quãng đường mà mục tiêu đề ra. Đích đến vẫn còn xa, trong khi đó thời gian càng ngắn lại và thách thức cạnh tranh ngày càng lớn. Ngành công nghiệp ĐBSCL phải làm gì để đạt được mục tiêu này?

Tăng trưởng nhanh, nhưng chưa bền vững

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp cả nước, ngành công nghiệp ĐBSCL trong những năm qua luôn tăng trưởng với tốc đô cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2001-2005 đạt 18,15%, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp được xếp thứ 3 trong 8 vùng kinh tế cả nước. Năm 2006-2007, ngành công nghiệp ĐBSCL tiếp tục tăng tốc. Những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao là Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hiện là lợi thế mạnh nhất ĐBSCL. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần thủy sản Cafatex –tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Đ.C.T

Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của tỉnh Tiền Giang tăng dẫn đầu khu vực là 29,6%. Năm 2007, Tiền Giang tiếp tục giữ vị trí này, đạt GTSXCN 4.970 tỉ, tăng 45,7% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm tăng trưởng mạnh nhất. Còn tỉnh Đồng Tháp, năm 2006 ngành công nghiệp tăng trưởng GTSXCN 27,13%, bước sang năm 2007 đạt GTSXCN hơn 4.457 tỉ đồng, tăng 36,43% so với năm trước. TP Cần Thơ đang huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp để đến năm 2020 trở thành thành phố công nghiệp cũng có tốc độ tăng trưởng GTSXCN cao. Năm 2006, TP Cần Thơ đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp 21,47%, đến năm 2007 đạt GTSXCN hơn 12.315 tỉ đồng, tăng 23,36% so với năm 2006. Còn tính chung GTSXCN của cả ĐBSCL thì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 18,3%...

Tại Hội nghị ngành công nghiệp ĐBSCL lần thứ X được tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp vào cuối năm 2007, ngành công nghiệp ĐBSCL được đánh giá là phát triển tốt, trong vùng đã hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất tập trung có tính công nghiệp hóa và chuyên sâu. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đều có tốc độ tăng trưởng cao, tỷ trọng GDP công nghiệp đóng góp ngày càng lớn hơn, góp phần rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong toàn vùng tăng nhanh. Sản lượng hàng hóa công nghiệp tham gia xuất khẩu luôn tăng cao, sản phẩm chính vẫn là gạo và thủy hải sản chế biến. Công nghiệp ĐBSCL chủ yếu là công nghiệp chế biến, chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, còn lại công nghiệp khai thác khoáng sản và công nghiệp sản xuất điện, nước chiếm tỷ trọng nhỏ không đáng kể.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch công nghiệp của ĐBSCL trong cơ cấu kinh tế vùng còn chậm, năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, thiết bị công nghệ lạc hậu làm hạn chế năng lực sản xuất, sản phẩm đơn điệu, chất lượng sản phẩm kém, không ổn định, suất tiêu hao nhiên liệu, năng lượng cao, giá thành sản xuất cao. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp còn yếu. Do đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn ngành công nghiệp nhìn chung còn thấp, tỷ lệ giá trị gia tăng trong GTSXCN không cao. Công nghiệp chế biến nông, thủy sản là thế mạnh của ĐBSCL đang có thị trường nội địa và xuất khẩu khá, nhưng nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng. Các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp có giá trị tăng cao chưa phát triển. Qui mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ, có đến 59% doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỉ đồng, 30% doanh nghiệp có vốn 1-5 tỉ đồng và 11% doanh nghiệp có vốn 5 tỉ đồng trở lên.

Khai thác lợi thế từng tiểu vùng

Từ thực trạng phát triển công nghiệp trong những năm qua, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã cùng nhau bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh công nghiệp của vùng. Đó là phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như ưu tiên cho công nghiệp chế biến nông, thủy sản, năng lượng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí nông, ngư cơ, sản xuất vật tư phục vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Song song đó, quan tâm phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ sạch và có giá trị gia tăng lớn. Tập trung phát triển nhanh công nghiệp khí-điện-đạm, từng bước đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp chủ lực của vùng. Đồng thời, khai thác lợi thế, tiềm năng của từng địa phương trong vùng và liên kết để phát triển, tăng năng lực cạnh tranh. Theo đó, ĐBSCL được phân ra làm 3 tiểu vùng. Tiểu vùng I là Long An, Tiền Giang, Bến Tre; Tiểu vùng II là Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp; Tiểu vùng III là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau...

Tiểu vùng I được xác định là lợi thế tiếp giáp TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có điều kiện tiếp cận thị trường cả nước và xuất khẩu, đang phát triển tốt công nghiệp chế biến nông sản, dệt may, da giày, cơ khí mà đặc biệt là cơ khí nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng. Tiểu vùng II có thế mạnh là vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm của ĐBSCL, nguyên liệu dồi dào, quỹ đất cho phát triển công nghiệp còn nhiều, có cảng biển, cửa khẩu biên giới, giao lưu hàng hóa thuận lợi. Công nghiệp chế biến nông, thủy sản, dệt may, dược phẩm đang phát triển mạnh, chiếm 20% sản lượng dược phẩm của cả nước. Tiểu vùng III có lợi thế về đánh bắt, chế biến thủy hải sản, hàng năm xuất khẩu thủy hải sản trị giá hơn 1,2 tỉ USD, chế biến nông sản, công nghiệp khai thác như sản xuất muối, đá vôi, vật liệu xây dựng... Theo đó, Tiểu vùng I cần khai thác lợi thế về vị trí địa lý, đây là vùng giãn nở công nghiệp của TPHCM, thu hút các dự án có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại tạo một số sản phẩm ngành hàng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến rau quả, dệt may, da giày, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ. Tiểu vùng II khai thác nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến gạo, thủy sản, công nghiệp hàng tiêu dùng như dược phẩm, cơ khí nông nghiệp, thu hút các dự án có hàm lượng kỹ thuật cao. Tiểu vùng III tập trung phát triển kinh tế biển, phát triển công nghiệp đóng tàu, công nghiệp đắt bắt hải sản xa bờ, chế biến hải sản, công nghiệp khí-điện-đạm, sản xuất vật liệu xây dựng...

Song song với khai thác lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, bản thân các doanh nghiệp cần phát huy nội lực, tập trung đầu tư thiết bị công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đồng thời, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL liên kết hợp tác trong chiến lược phát triển công nghiệp toàn vùng.

Ngành công nghiệp ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức là Việt Nam đã hội nhập kinh tế khu vực AFTA và tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều đó đòi hỏi công nghiệp ĐBSCL phải tạo được bước tiến mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững. Có như vậy mới hy vọng ngành công nghiệp ĐBSCL tăng tốc phát triển, xứng tầm với lợi thế và tiềm năng vốn có.

Quang Hải

Chia sẻ bài viết